Tổ chức Di trú quốc tế (IMO) hôm 5/7 công bố, trong 6 tháng qua, số người di cư và tị nạn vào châu Âu bằng đường biển tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, số lượng người di cư và tị nạn tăng mạnh cho thấy chính sách di cư của Liên minh châu Âu đã thất bại, bất chấp việc khối này đã phải kí một thỏa thuận bị coi là “phá hủy các giá trị châu Âu” với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết bài toán khủng hoảng người tị nạn.

Làn sóng người di cư vẫn là thách thức lớn đối với châu Âu. Ảnh: Getty

Hàng loạt các số liệu tích cực về số người tị nạn đến châu Âu giảm sau khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng người di cư đến châu Âu vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, số lượng người di cư tiếp tục gia tăng trong thời gian gần đây. Thay vì chọn Thổ Nhĩ Kỳ làm điểm trung chuyển, nhiều người tị nạn Syria và một số nước khác đã lựa chọn tuyến đường khác đến với châu Âu thông qua “cửa ngõ” Ai Cập.

Theo số liệu của IMO, có hơn 227.000 người di cư và tị nạn tới châu Âu bằng đường biển trong 6 tháng đầu năm 2016. Những người này chủ yếu đến Italy, Hy Lạp, Cộng hòa Síp và Tây Ban Nha.

Không chỉ số người di cư gia tăng, tỉ lệ người di cư thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải khi tìm đến châu Âu cũng tăng ở mức hơn 1.000 người trong năm 2016. Số người thiệt mạng trên biển khi tới châu Âu trong tháng 6/2016 được cho là cao nhất ba năm qua.

Bài toán di cư không được giải quyết tiếp tục thách thức sự đoàn kết của Liên minh châu Âu vốn đang bị lung lay sau khi Anh quyết định dọn khỏi ngôi nhà chung châu Âu. Hungary hôm 5/7 tuyên bố sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 2/10 tới về việc người dân nước này có chấp nhận việc EU áp đặt hạn ngạch người tị nạn mà không tham vấn với chính phủ Hungary hay không.

Quyết định này diễn ra sau khi EU bắt đầu thảo luận các qui tắc tị nạn, buộc các nước thành viên phải chấp nhận hạn ngạch phân bổ người tị nạn. Hungary là điểm ra vào chính khu vực tự do biên giới của EU đối với người di cư bằng đường bộ, cho đến khi Thủ tướng nước này quyết định đóng cửa biên giới với Croatia và Serbia.

Hơn 17.000 người đã vào Hungary từ Serbia trong năm nay. Thủ tướng Hungary Viktor Orban nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách mở cửa biên giới của EU là một trong những yếu tố tác động đến lá phiếu của các cử tri Anh.

Ông Orban nhấn mạnh: “Vấn đề quan trọng nhất là cuộc khủng hoảng di cư. Người dân Anh muốn có câu trả lời về việc làm thế nào có thể để giải quyết vấn đề di cư cũng như bảo vệ cuộc sống của mình. Cuộc trưng cầu ý dân tại Anh là một bài học cho chúng ta, cho những nước đang ở EU rằng EU phải lắng nghe tiếng nói của người dân”.

Với những tác động từ cuộc bỏ phiếu của nước Anh, giới quan sát cho rằng cuộc trưng cầu ý dân tại Hungary với trung tâm là vấn đề di cư có thể là dấu hiệu khởi đầu cho một chiến dịch Hexit (Hungary ra khỏi EU).

Và nếu không có viễn cảnh này xảy ra thì Thủ tướng Orban cũng hy vọng, cuộc trưng cầu ý dân với tỉ lệ người dân nói không với chính sách của EU sẽ giúp tạo lợi thế cho ông trong các cuộc đàm phán về chính sách với khối.

Chuyên gia phân tích chính trị EU Edit Gut nhận định: “Ngay sau cuộc bỏ phiếu tại Anh, chính phủ Hungary nhận ra rằng cần phải lắng nghe tiếng nói của người dân. Chính vì vậy họ đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về chính sách của EU. Mục tiêu họ đó là nhằm tăng quyền lực “mặc cả” với EU trong các cuộc đàm phán”.

Các nhà lãnh đạo EU đang đau đầu giải quyết những hậu quả Brexit khi nó đang tạo ra một hiệu ứng lan truyền khắp châu Âu với nhiều khu vực khác ở Pháp, Tây Ban Nha… rục rịch lên tiếng đòi phát động phong trào ly khai khỏi nước mẹ và EU. Cuộc khủng hoảng di cư mà châu Âu đang đối mặt không được giải quyết sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm những vấn đề có thể đặt EU đứng trước nguy cơ tan rã./.

Theo VOV