Tuy nhiên, sau đó khoảng hơn một tiếng, mức giá bán ra đối với vàng miếng DOJI  được điều chỉnh giảm còn 38,9 triệu đồng/lượng và 37,55/lượng mua vào.

Không có tình trạng xếp hàng mua, bán vàng, dù lượng khách khá đông

Đến 10h40 cùng ngày, mức giá này điều chỉnh theo chiều hướng giảm còn 37,7 triệu đồng/lượng bán ra và 36,7 triệu đồng/lượng mua vào.

Tại thị trường tự do, mức giá niêm yết vàng khâu, loại 9999 cũng được điều chỉnh tăng, giảm theo thị trường nhưng vẫn ở mốc trên dưới 37 triệu đồng/lượng.

Chỉ trong vòng vài giờ, giá vàng trên thị trường đã có những biến động lớn, theo chiều hướng giảm. So với hôm qua (6/7), cùng thời điểm này, giá vàng trong nước cũng như trên thị trường Thừa Thiên Huế giảm khoảng gần 1 triệu đồng/lượng.

Theo ghi nhận, tại một số hàng vàng có uy tín trên địa bàn, lượng khách đến mua bán, trao đổi tăng hơn so với hôm qua, song không xảy ra tình trạng quá tải, phải xếp hàng, chen lấn như một số địa phương ở hai đầu đất nước.

Tại Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý-Chi nhánh Huế, lượng khách cao điểm chủ yếu tập trung sau giờ mở cửa buổi sáng. Đến 10h, chỉ còn lác đác vài khách hàng và đa số đều đến bán.

Bà Nguyễn Thị Nễ, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI-Chi nhánh Huế thông tin, lượng khách tăng hơn so với hôm 6/7, song, nhờ nắm được thông tin thị trường và tâm lý khách hàng nên chi nhánh đã chuẩn bị đầy đủ nguồn cung, dự trữ cũng như tiền mặt để mua bán, giao dịch với khách hàng. Nhờ thế, không có trường hợp khách hàng đến bán mà không mua và ngược lại.

Các giao dịch mua bán tại Công ty CP Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI-Chi nhánh Huế đều được thực hiện thành công

Theo một số doanh nghiệp tư nhân kinh doanh vàng bạc đá quý, như Thuận Thành-Duy Mong, Phước Lộc, Rồng Vàng…, lượng khách đến mua, bán gần như nhau. Hầu hết các giao dịch, trao đổi, mua bán của khách hàng đều được thực hiện, không có việc găm hàng chờ giá hoặc từ chối mua khi giá điều chỉnh giảm.

Tâm Huệ