Con đường ngắn, nhưng cũng đủ ngoằn ngoèo và có lẽ, cũng đủ độ lãng mạn cho những ai có chút nhạy cảm. Ở đây có thể nghe rõ mùi đồng quê với tiếng gà táo tác gọi con, có tiếng heo ụt ịt trong cái chuồng làm tạm bằng mấy thanh gỗ, kiểu như người ta nuôi để tận dụng chút cơm thừa canh cặn hay nhặt nhạnh chút rau dại bên suối khô, hay vài ba cây chuối mọc lan man đâu đó trên đất vườn. Cả cách mà nước thải sinh hoạt đổ ra mé đường phía sau nhà cũng đậm chất làng quê. Thì có mấy người qua đâu, nước lênh láng chút, hôi hôi đen đen chút thì cũng đâu có ảnh hưởng đến ai? Là tôi nghĩ theo cách mà người ở bên mé đồi có thể nghĩ, suy từ cách mà họ sống hàng ngày. Cũng đã có lúc tôi nghĩ, ông chủ trẻ của gia đình này quanh năm suốt tháng đi làm thợ nề, xây cho người ta những bức tường đẹp, những ngôi nhà đẹp nhưng đồng lương chắc cũng còm cõi và vợ thì chạy chợ bán vài ba bó mía, khoai sắn, rau dưa hàng ngày, lại nách hai đứa con nhỏ dại nên mãi mà ngôi nhà của họ vẫn chỉ được che chắn bằng cách ghép bờ lô trát vữa, bếp thì dùng tạm nilon để ngăn gió. Nhưng hai đứa nhỏ trông lại có vẻ căng mẩy và tròn trịa. Có lẽ vì thế nên tôi cứ phải kiềm chế mãi ý định nhéo vào hai bên má đỏ hây của chúng mỗi lần gặp.

Dưới những gốc thông già nơi con đường mà tôi qua, dương xỉ mọc thành thảm, ken dầy. Cái giống cây thật là lạ, cứ bền bỉ mọc và ngang ngạnh xanh, dù là nắng hay là mưa. Nhưng nhìn mãi, tôi phát hiện ra là mình thích cách mà chúng tìm cách để xanh trong những ngày hè chói chang, với cái màu xanh hơi già dặn mà lại có vẻ ân cần và bao dung. Loáng thoáng trong đám xanh ấy là màu trắng mảnh dẻ và nhỏ nhoi của vài ba nhóm xuyến chi. Những bông trắng nhỏ nhoi mang đến cảm giác cần được bao bọc đến nao lòng. Những bước bộ có đôi lúc thốt người vì quả thông khô rơi trong thinh không. Tiếng nhẹ thế vẫn làm người đi có lúc giật mình. Có lẽ vì đoạn đường không người.

Ngôi nhà ở gần phía cuối con đường thi thoảng lại xuất hiện dáng một người đàn ông hom hem với tiếng khúc khắc ho làm dấy lên nỗi ái ngại và thương cảm. Nhưng đôi mắt của ông đôi khi cũng nheo nheo với những nếp nhăn trong nụ cười đáp lại lời chào. Tôi thường thấy ông một mình, ngoài hiên. Nhiều đến nỗi mỗi khi không nhìn thấy, lại dài dại nghĩ về điều bất an nào đó. Nhưng chiều, nghe ông dặn với theo là đi nhớ coi chừng con chó mẹ, hắn đang chăm con nên hơi dữ, tôi biết là ông vẫn quan tâm đến mọi thứ, chẳng hạn hai vết chó cắn trông còn khá rõ trên bắp chân của tôi. Và nhẹ nhõm trả lời là không sao, con vẫn ổn, chỉ còn hai mũi tiêm phòng dại nữa, là xong.

Gian nhà nơi lưng lửng đồi mà tôi đến thường nhiều muỗi. Có lẽ vì nhiều cây. Rất nhiều vỏ chai bia lăn lóc sau những cuộc ngồi lại đâu đó của cánh đàn ông trong những chiều rảnh rỗi, sau công việc xem ra đơn thuần nhưng chắc là có nhiều thú vị, và cơ bản là nó đem lại những con số hiện hữu từ lao động, từ tư duy để biến vùng gò đồi mang lại giá trị thặng dư. Những câu chuyện mà tôi nghe, rôm rả mà loáng thoáng vì không mấy hiểu. Có khi cũng vì không mấy thật sự để tâm, dù có lúc, có khi cũng giật mình lo lắng vì một vài sự cố nhỏ nhoi nào đó.

Cơ bản là cách tìm ra và tạo dựng niềm vui. Hài lòng với điều mình có và sau nữa là làm được những điều có ích và có ích hơn. Đó cũng là điều mà tôi đọc được từ lựa chọn của người đồng hành. Cuộc sống vốn chẳng dễ chịu với bất cứ ai nhưng nó khác là ở chỗ thích ứng như thế nào trong các ngả rẽ.

Và tôi chợt thấy, mình vừa có một chiều rất bolero khi quay mặt đi trước cái cười mủm mỉm và đôi mắt sáng ánh lên từ người bạn lúc nhắn điều gì đó vào máy điện thoại. Biết để giả vờ không, có phải cũng là sự thích ứng kiểu bolero không nhỉ?

Mộc Trà