Trước tòa, nguyên đơn trình bày: Cha mẹ mất sớm. Bà mới 12 tuổi đã phải gánh gồng bao bọc nuôi 3 đứa em một trai hai gái nheo nhóc. Lăn lộn buôn bán nuôi bốn miệng ăn, vừa tích cóp dành dụm đến năm 1980 thì mua được căn nhà cấp bốn tọa lạc trên 32m2 đất. Mừng rơi nước mắt. Bao bọc bầy em thêm mấy năm nữa thì bà đi lấy chồng, giao lại nhà cho em trai và hai em gái. Rồi hai cô em gái cũng lần lượt đi lấy chồng. Đến tuổi, người em trai cưới vợ. Em không có nhà nên chị cả cho em tiếp tục ở. Rồi mấy đứa cháu lần lượt chào đời. Năm 1999, nhà xuống cấp quá, vợ chồng em xin phép sửa chữa, bà đồng ý. Nhà sửa chưa xong thì em trai của bà bị bệnh đột ngột qua đời. Trong thâm tâm bà tự nhủ, em trai mất rồi, các cháu còn nhỏ, bà để các cháu ở cho đến lúc trưởng thành. Năm 2011, bà lập thủ tục đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với nhà đất bà mua hiện em dâu và các cháu đang ở nhờ), em dâu xác nhận, cam đoan với văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và UBND phường về nguồn gốc nhà đất. Cơ quan có thẩm quyền đã cấp “thẻ” cho bà.

Gần đây, em dâu và các cháu (đã lớn) làm ăn kinh tế đã vững, trong lúc con ruột của bà đang ở nhà thuê, bản thân bà bị bệnh ung thư chưa biết sống chết lúc nào nên bà yêu cầu em dâu trả nhà đất do bà sở hữu, nhưng em dâu và các cháu nói những lời không tốt đẹp. Chị em, o cháu không tự giải quyết được nên bà đành lòng phải làm đơn ra tòa, nhờ đến pháp luật.

2. Bị đơn thì cho rằng: Khi lấy chồng, chỉ biết về ở trong nhà chứ bà không xác định được nguồn gốc nhà của ai. Ở khoảng mười năm thì nhà hư, sập nên vợ chồng bà sửa lại. Khi sửa nhà, mấy o không đóng góp tiền nhưng người giúp công, người giúp chút vật liệu. “Tui nghĩ sửa (nhà) trước để thờ ông mệ (tức cha mẹ chồng của bà) sau để các con ở. Lúc đó răng không qua giành (ý nói sao lúc đó nguyên đơn không qua giành)”. Một vị hội thẩm xua tay: “Thôi thôi, tòa hỏi gì bà nói nấy”.

Trả lời câu hỏi của nữ thẩm phán về giấy cam đoan viết năm 2011 gửi Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất và UBND phường, bị đơn cho rằng bà không biết chữ, bà không viết mà nguyên đơn “tự biên tự diễn”. Bị đơn: “Tui không biết chi. Giấy tờ đó tui không biết chi hết. Vì nói giấy nhà thờ mắc chi không ký vô”. Mấy đứa con ngồi hàng ghế sau dù tòa không hỏi cũng nói chen vào “có biết chữ mô mà viết cô”. Trước tòa, em dâu “nại”, nhà đó bà sửa để làm nhà thờ cho cha mẹ (chồng) và mấy đứa con ở, giờ mà trả thì mẹ con bà chưa có nhà, không biết ở đâu.

Quá trình giải quyết vụ án, hội đồng định giá nhà đất đang tranh chấp có giá trị gần 250 triệu đồng. Giá trị phần sửa chữa là 70 triệu đồng. Hội đồng xét xử đặt câu hỏi, giả sử tòa chấp nhận phương án xác định nhà và đất là của nguyên đơn, thì bà có thể nhận lại tài sản bằng tiền, còn nhà để em dâu và các cháu tiếp tục ở? Mấy đứa cháu của nguyên đơn (tức con của bị đơn) đồng ý với phương án này. Hai em gái của nguyên đơn (tức chị chồng và em chồng của bị đơn) cũng xác định nhà đất do chị cả mua (khi mua, em gái thứ góp vào 1 chỉ vàng), nhưng ý kiến của họ là mong muốn để chị dâu và các cháu tiếp tục ở. Tuy nhiên, nguyên đơn không đồng ý. “Tui 12 tuổi đã mồ côi, nuôi em từ nhỏ, cực nhọc biết mấy cũng ráng mà nuôi em. Khi em khổ tui thương em thương cháu. Chừ các cháu làm ăn được rồi, tui bệnh nặng chưa biết chết lúc nào, tui lấy lại nhà mà đối xử với tui như ri, không còn tình cảm. Tui lấy lại nhà của tui thôi”. Nguyên đơn trình bày.

Tòa hỏi bà sẽ hỗ trợ bao nhiêu cho bị đơn và các con của bị đơn đi, nguyên đơn trả lời sẽ hỗ trợ một khoản tương đối. Vị hội thẩm: “Bà nói không còn tình cảm thì pháp luật vô tình cũng phải rõ ràng. Yêu cầu bà nêu rõ số tiền hỗ trợ”? Nguyên đơn vẫn không đưa ra “đáp án” cụ thể. Đến cuối buổi, tòa hỏi các bên có ý kiến gì? Nguyên đơn: “Nhà tui tui lấy”. Bị đơn: “Không có ý kiến. Yêu cầu tòa xét xử công bằng”. Hai em gái của nguyên đơn: “Đề nghị tòa xem xét”. Các con của bị đơn (tức cháu ruột của nguyên đơn): “Về lý không nói, mong xem xét về tình”.

Tòa tuyên bố nghị án, chiều hôm sau mới công bố bản án. Một ngày suy nghĩ, hôm sau đến tòa, nguyên đơn đồng ý bồi hoàn lại số tiền 70 triệu đồng (theo định giá) mà bị đơn đã bỏ ra sửa nhà. Hội đồng xét xử quyết định chấp nhận yêu cầu đòi lại nhà cho ở nhờ của nguyên đơn, xử bị đơn phải trả nhà, đồng thời công nhận thỏa thuận của nguyên đơn về bồi hoàn số tiền sửa chữa nhà nêu trên cho bị đơn. Người em dâu và các cháu của nguyên đơn được lưu cư trong thời gian 6 tháng để tìm nơi ở mới. Sau phiên tòa không có cảnh ngấm nguýt, to tiếng với nhau, nhưng có điều gì mất mát. Ai nấy ra về lặng lẽ...

DUY TRÍ