"Gió đã đảo chiều"
Thị trường vàng từ chiều qua (7/7) đã có dấu hiệu chững lại và bắt đầu đi xuống sau nhiều ngày dồn dập tăng giá. Giá vàng bán ra tại SJC tuột 200.000 đồng/lượng, chỉ còn 37,5 triệu đồng/lượng, giảm 2,1 triệu đồng so với giá mở cửa. Giá mua vào ở mức 36,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giữa giá mua vào, bán ra trên thị trường ở mức 1-1,45 triệu đồng/lượng.
Đại diện Công ty Cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận – PNJ cũng cho rằng, nếu như 2 ngày trước, khi giá vàng đạt “đỉnh” thì thị trường vàng diễn biến một chiều. Trong 10 khách hàng thì có đến 8 người mua, 2 người bán. Tuy nhiên, ngày 7/7, khi giá vàng xoay chiều theo kiểu “xì hơi” nên tỉ lệ mua vào, bán ra ngang nhau. Tại PNJ, riêng buổi sáng 7/7, công ty này mua vào 220 lượng thì bán ra là 210 lượng.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cho rằng, có 3 điểm khác nhau giữa thị trường vàng chiều 7/7 và thường ngày. Đó là khoảng cách giá vàng đang kéo gần lại giữa giá mua và bán (gần hơn so với 2 ngày “đỉnh sốt” vừa qua), nhưng khoảng cách vẫn xa hơn nhưng ngày trước đó. Ngược với 2 ngày vừa qua, chiều 7/7, tỷ lệ người bán chiếm 80%, người mua chỉ còn 20%.
TS Bùi Quang Tín cho rằng, nguyên nhân giá vàng giảm là do tâm lý hoảng sợ của người dân sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát đi thông điệp có đủ nguồn lực để sẵn sàng can thiệp thị trường vàng miếng khi cần thiết. Thông tin NHNN sẽ can thiệp nên người dân và đặc biệt là giới kinh doanh vàng tranh nhau bán vàng miếng ra vì sợ tiếp tục lỗ.
“Lực mua vàng trên thị trường rõ ràng đang giảm dần vì tâm lý lo ngại NHNN sẽ can thiệp, vấn đề chỉ còn là thời điểm nào mà thôi. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ bằng hoặc thấp hơn giá vàng thế giới. Nếu nhà đầu tư vẫn tiếp tục ôm vàng sẽ chứa nhiều rủi ro”, TS Tín nói.
Ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc công ty Vàng Việt Nam (VGB) cho rằng, giá vàng trong nước giảm cũng một phần do giá vàng thế giới có xu hướng đi ngang sau khi đạt “đỉnh” trong vòng 2 năm qua.
“Cơn sốt vàng” có thể trở lại?
Việc vàng tăng giá trong 2 ngày qua đã làm nhiều người nhớ lại “lịch sử” của thị trường vàng vào những năm 2008-2010. Mặc dù vàng đã “hạ nhiệt” nhưng nhiều người lo ngại “cơn sốt vàng” này sẽ tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng bởi một số dự đoán cho rằng giá vàng sẽ còn vượt ngưỡng hơn 40 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì “cơn sốt vàng” khó có thể lặp lại.
TS Bùi Quang Tín cho rằng, một khi NHNN đã phát đi thông điệp sẵn sàng can thiệp thị trường vàng nếu xét thấy cần thiết thì “cơn sốt vàng” khó thành hiện thực như giai đoạn năm 2008-2010. Hơn nữa, hiện lực mua vàng của các ngân hàng thương mại cũng không còn lớn như thời điểm 2008 – 2010, thay vào đó là lực mua của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, manh mún.
“Khi sàn vàng chính thức không còn hoạt động, bài học “xương máu” về những thiệt hại do đầu cơ mang lại những năm 2008-2010 vẫn còn thấm thía nên không ai dám “liều” với vàng. Theo đó, khó có “cơn sốt” này diễn ra”, TS Bùi Quang Tín nhận định.
Tuy nhiên, TS Tín cũng cho rằng, để dự đoán biến động giá vàng trong nước thời gian tới tăng hay giảm, cần theo sát diễn biến tình hình thế giới. “Việc giá vàng thế giới thời gian tới tăng hay giảm vẫn đang ở thế giằng co giữa sự phát triển của nền kinh tế Mỹ với sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc và hậu Brexit”, TS Tín nói.
Cho lời khuyên trong lúc thị trường vàng có nhiều biến động này, TS Bùi Quang Tín nói rằng, nếu người dân có nhu cầu mua vàng nữ trang thì vẫn nên mua bình thường nhưng nếu mua vàng miếng để dành, tiết kiệm thì đây chưa phải là thời điểm thích hợp.
“Những người đầu cơ nhỏ lẻ nên thận trọng, bình tĩnh, không nên chạy theo biến động giá vàng bởi rủi ro cao. Với người bán vàng miếng, đây thực sự là thời điểm tốt để bán chốt lời vì là lúc này giá vàng lên cao nhất trong hai năm trở lại đây”, TS Bùi Quang Tín nói.
Trong khi đó, đại diện PNJ cho rằng, giá vàng trong nước dù đã giảm nhưng vẫn còn chênh lệch khá cao so với thế giới là 1,1 triệu đồng. Giá vàng trong nước phải giảm xuống nữa thì mới hợp lý. Trong thời điểm này, việc “lướt sóng” hay cất giữ vàng đều cần được cân nhắc cẩn trọng.
Theo Dân trí