Cá hồi Chinook hay còn được gọi là cá hồi vua tại chợ cá Pike Place ở Seattle, Mỹ. Ảnh: AP

Báo cáo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO) cho biết, mức tiêu thụ kỷ lục, mà dường như vẫn đang tiếp tục, là kết quả của việc gia tăng nguồn cung cấp từ hoạt động nuôi cá, nhu cầu phát triển liên quan đến sự tăng trưởng dân số, giảm lãng phí, tăng thu nhập và đô thị hóa.

Trong tài liệu “Tình hình thủy sản và nuôi trồng thủy sản thế giới” năm 2016, tiêu thụ cá bình quân đầu người tăng từ mức trung bình 9,9 kg trong những năm 1960 lên đến 14,4 kg vào những năm 1990, 19,7 kg trong năm 2013 và 20,1 kg trong năm 2014.

Tổng giám đốc FAO Jose Graziano da Silva nói rằng, nuôi cá hoặc nuôi trồng thủy sản hiện đang cung cấp một nửa số cá phục vụ nhu cầu tiêu thụ của con người.

Trong đó, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của hoạt động nuôi cá, chiếm 60% sản xuất nuôi trồng thủy sản trên thế giới, báo cáo của FAO nói thêm.

Tuy nhiên trong một lưu ý tiêu cực, báo cáo nhấn mạnh: "Tình hình của các loài cá biển thế giới vẫn chưa được cải thiện", mặc dù đã có những tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực. Gần 1/3 trữ lượng cá thương mại được đánh bắt ở mức không bền vững, cao hơn gấp 3 lần năm 1974.

Cũng theo báo cáo, tổng sản lượng cá toàn cầu trong năm 2014 là 93,4 triệu tấn, bao gồm 81,5 triệu tấn từ vùng nước biển và 11,9 triệu tấn từ vùng nước nội địa.

Ông Graziano da Silva nhận định, những báo cáo gần đây của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, xã hội dân sự "làm nổi bật những tiềm năng to lớn của đại dương và vùng biển nội địa hiện nay, thậm chí tiềm năng đó sẽ còn nhiều hơn trong tương lai, góp phần đáng kể vào an ninh lương thực và hỗ trợ dinh dưỡng đầy đủ cho số lượng dân số toàn cầu dự kiến đạt 9,7 tỷ người đến năm 2050".

Lê Thảo (Lược dịch từ AP & Abcnews)