Từ năm 1997, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực kinh tế tập thể đã có những chuyển biến quan trọng. Cơ chế quản lý tập trung, bao cấp từng bước được xóa bỏ, chuyển sang cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Trong khó khăn đã xuất hiện một bộ phận hợp tác xã (HTX) mạnh dạn đổi mới để thích ứng với cơ chế mới và hoạt động có hiệu quả. Vai trò tự chủ của các HTX được nâng cao, xã viên tham gia HTX một cách tự nguyện. Nhiều HTX đã xây dựng phương án hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương, huy động được sự tham gia đóng góp của đông đảo xã viên.

 

Đến nay, toàn tỉnh hiện có 254 HTX, 374 tổ hợp tác với hình thức tổ chức và phương thức hoạt động phong phú, đa dạng. Nhiều HTX mạnh dạn huy động các nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới; hình thành nhiều HTX có quy mô lớn, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao. Hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể có nhiều chuyển biến tích cực; quy mô, ngành nghề, phạm vi hoạt động có sự phát triển mạnh, đóng góp tích cực trong việc giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội; góp phần xóa đói, giảm nghèo, thể hiện được vai trò nòng cốt trong chương trình xây dựng nông thôn mới...

 

Trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều HTX hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực; hình thành hệ thống chuỗi siêu thị của HTX TMDV Thuận Thành; mô hình Liên hiệp HTX Nông nghiệp ở thị xã Hương Thuỷ; mô hình HTX chợ ở Thuỷ Phương (Hương Thuỷ); mô hình HTX môi trường Lăng Cô; mô hình HTX Công nghệ thông tin ở TP Huế; mô hình HTX gắn với làng nghề như HTX đan lát Bao La, HTX Thủy Lập, HTX rượu Phong Chương, HTX thêu Phú Hòa; HTX nông nghiệp trồng hoa ở các xã: Phú Mậu, Thủy Thanh, Quảng Thọ…

 

Về mặt xã hội, các HTX đã tham gia tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đến nay, khu vực kinh tế HTX trên địa bàn tỉnh thu hút gần 250 ngàn xã viên và hàng trăm ngàn lao động, trong đó có các đối tượng gặp nhiều khó khăn; góp phần giúp nhiều hộ gia đình thoát nghèo, ổn định đời sống. Các HTX còn là nơi tuyên truyền, giáo dục ý thức cộng đồng, đề cao các giá trị văn hóa, đạo đức, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, hỗ trợ, giúp nhau cùng làm giàu; góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an ninh quốc phòng...

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế tập thể còn những hạn chế, khó khăn gì, thưa ông?

 

Đó là số HTX đạt hiệu quả chưa nhiều, lợi ích về kinh tế, xã hội mang lại cho xã viên, thành viên chưa cao. Phần lớn các tổ hợp tác, HTX có quy mô vốn, tài sản rất hạn chế, công nghệ lạc hậu, hoạt động còn đơn điệu, thiếu bền vững. Một bộ phận HTX sau khi chuyển đổi theo luật đến nay vẫn chưa được củng cố, kiện toàn. Đội ngũ quản lý HTX thiếu và yếu về năng lực, xã viên chưa gắn bó, thiếu các sản phẩm đặc trưng và chưa đảm bảo sức cạnh tranh thị trường trong và ngoài tỉnh.

 

Xin ông cho biết định hướng phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới?

 

Liên minh HTX và các HTX cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể; tiếp tục đẩy mạnh phát triển, xây dựng HTX hoạt động có chiều sâu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Làm tốt công tác tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về kinh tế hợp tác, HTX. Thực hiện tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là thực hiện Luật HTX. Tập trung củng cố các HTX hiện có, tích cực vận động, hướng dẫn thành lập các tổ hợp tác, các mô hình HTX mới; chú trọng phát triển HTX gắn với duy trì và phát triển các làng nghề ở nông thôn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước của các HTX, Liên hiệp HTX. Làm tốt công tác xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất hiện ngày càng nhiều HTX, Liên hiệp HTX làm ăn có hiệu quả, có uy tín, sức cạnh tranh cao trong nền kinh tế thị trường. HTX cần tiên phong trong phát triển kinh tế thị trường, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân; tham gia tích cực các hoạt động kinh tế- xã hội trên địa bàn… Việc tổ chức tốt và nâng cao chất lượng công tác tư vấn, bảo vệ, hỗ trợ HTX là điều cần được quan tâm. Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác phối hợp hoạt động giữa các tổ chức thành viên và các sở, ban ngành, đoàn thể trong công tác xây dựng và phát triển kinh tế tập thể. Các HTX tăng cường liên doanh, liên kết giữa HTX với HTX, giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác nhằm huy động nhiều nguồn lực, nhân lực, vốn, khoa học công nghệ. Đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo và bồi dưỡng cán bộ HTX, liên hiệp HTX; phấn đấu đào tạo nhiều chủ nhiệm giỏi, xuất hiện nhiều HTX sản xuất kinh doanh điển hình tiên tiến trong các ngành, nghề, lĩnh vực...  

 

Xin cảm ơn ông!

Bài, ảnh: Hoàng Triều (thực hiện)