“ Ừa, giờ đi sớm về hôm không sợ nữa. Mãi mới làm được nhưng chừ thì dân xóm chị ai cũng ưng bụng hết – cô khách đã hơi cứng tuổi nói – Nghĩ mãi không ra nghe, có cái chuyện nớ thôi, dễ òm, mỗi nhà góp mấy trăm như nhau là ổn mà cứ để hoài để mãi. Nghĩ đi nghĩ lại, chị thấy biết ơn người hàng xóm mới dễ sợ. Ông đi gõ cửa, hỏi ý kiến từng nhà rồi sau đó lên kế hoạch, bàn bạc với mọi người rồi kêu thợ đến làm, rồi đi từng nhà thu tiền với bản chi phí cụ thể. Ai cũng góp hết, mà vui vẻ, cả người dư dả đến người còn khó...”

Câu chuyện giữa hai người phụ nữ khá rôm rả. Có lẽ vì vậy mà khoảng thời gian chờ đợi cũng trôi nhanh hơn. Nhưng giọng khách đang làm tóc chợt chùng xuống khi bảo, xóm chị có bác nớ chắc cũng có chức vì hay thấy xe đưa rước nhưng ở mãi cũng không hề đả động giúp dân chuyện ni. Chắc vì cổng nhà ông tối mô cũng được đỏ đèn. Mà ba mạ ông giờ vẫn ở đó, rồi đến ông, con ông nữa nhưng nhà lúc mô cũng kín cổng. Ra đường gặp không mấy khi nhìn ai. Con ông cũng rứa. Hai đứa lớn rồi, nghe nói đi làm ở mô đó rồi mà gặp bà con lối xóm có khi mô có được lời chào từ tụi hắn mô. Mà nhà ông nớ to nhất xóm đó em, lại vừa xây thêm nữa. Rứa mà góp tiền làm điện đường cũng chỉ bằng ai thôi. Hôm nhà ông có việc, người ta đến đông lắm. Chắc ai cũng nghĩ nhờ có ông nên đường xóm mới được sáng trưng rứa nghe...”

Tôi nghe câu chuyện chỉ trong chừng mực đó, cũng không hỏi xem khách đến quán như tôi ở đâu, nhưng quả thật là có giật mình khi nghĩ, không biết sống trong khu phố, không biết mình và những người đi làm cán bộ như mình có làm điều chi không phải không. Người dân Huế lành lắm, dù ít nói và thể hiện bằng lời nhưng họ sống, nhìn và đánh giá khá kỹ về cung cách ứng xử của những người xung quanh, nhất là những người đi làm cơ quan nhà nước. Cái nhìn biện chứng vẫn đúng khi phải đặt con người trong tổng hòa các mối quan hệ xã hội, chứ đâu phải chỉ là công việc và những cái bắt tay hay thăm hỏi xã giao nào đó...

Nguyễn An Lê