Từ đường Hồ Đắc Di đi thẳng về phía Khoa Giáo dục – Thể chất nhiều bảng hiệu “Cấm đổ rác và bán hàng rong” được treo trên cột điện, đóng cả vào thân cây để nhắc nhở, “báo động” tình trạng đổ rác thải, nhưng phía dưới vẫn đầy rác.

Rác thải tràn ra lòng đường gây nhếch nhác, phản cảm

Cách đó không xa, trước mặt ký túc xá (KTX) Trường Bia và các tuyến đường ngang xung quanh KTX đâu cũng có rác phần lớn là rác thải xây dựng. Vỉa hè các tuyến đường được lát đá, trồng cây xanh, nhưng rác thải xây dựng đã lần chiếm phần hết. Phía sau KTX Trường Bia cũng có một con đường rất đẹp, nhưng vỉa hè cũng bị lấn chiếm vô tội vạ. Những đống củi, gỗ các loại chất từng đống trên vỉa hè, dưới những gốc cây xanh. 

Cách đó không xa là các trường đại học Kinh tế, Ngoại ngữ, Luật rác thái sinh hoạt tuy ít nhưng rác thải xây dựng vẫn mặc nhiên đổ từng đống còn cao hơn cả biển báo cấm.

Ông Hồ B... một người dân thường xuyên đi thể dục trên các tuyến đường xung quanh làng Đại học Huế bức xúc: “Các tuyến đường thảm nhựa, lát vỉa hè rộng và đẹp như thế này mà bị các loại rác xâm chiếm. Chúng tôi thực sự rất xót xa và mong muốn được xử lý rốt ráo”.

Ông Đoàn Bình Lương, Phó Chủ tịch UBND phường An Cựu khẳng định: “Rác đã tồn tại nhiều năm nay. Lâu lâu mới có một xe chở tới đổ, nhưng thường là buổi trưa hay tối. Kể từ khi phường An Tây cấm đổ rác dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt, tình trạng rác thải công trình dồn về làng Đại học Huế nhiều hơn”.

Trước câu hỏi, rác đã tồn tại lưu cữu trong nhiều năm, nhưng chính quyền địa phương và Đại học Huế không có biện pháp gì xử lý? Ông Đoàn Bình Lương cho rằng: “Hầu như không có cách gì để xử lý rốt ráo. Họ lén lút đổ, nên rất khó quản lý. Cá nhân tôi cũng đã từng bị lái xe tới đổ rác đe dọa”.

Theo ông Lương, mới đây Đại học Huế có làm việc với UBND phường An Cựu về việc xử lý tình trạng rác thải tại làng đại học. Phương án đưa ra là, Đại học Huế sẽ tiến hành cắm bảng “Cấm đổ rác” dọc vỉa hè các tuyến đường, nếu tình trạng đổ rác vẫn tiếp tục diễn ra, thì sẽ cùng với phường An Cựu tập trung giải quyết mạnh.

Vỉa hè, lòng đường đều tràn ngập rác thải xây dựng

Ông Nguyễn Đức Khánh, Tổ trưởng tổ quản lý KQH Đại học Huế tại Trường Bia cho biết thêm: “Hiện Đại học Huế đã làm việc với Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – Công an tỉnh để tăng cường thường xuyên theo dõi việc đổ rác thải. Đại học Huế cũng thành lập một tổ quản lý tại KQH gồm 4 thành viên, là những cán bộ trong Ban cơ sở vật chất của Đại học Huế thường xuyên phân trực, trực chốt tại các điểm thường bị đổ rác thải. Nếu phát hiện, đội có nhiệm vụ báo cáo phường An Cựu, ghi lại biển số xe, báo cảnh sát môi trường, chứ đội không có chức năng xử lý”.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải tràn lan tại làng Đại học Huế, theo ông Nguyễn Đức Khánh: “Do bãi rác thải của thành phố đóng cửa, hiện chưa có bãi đổ rác thải mới, nên rác thải xây dựng vẫn bị người dân lén lút đổ tại các tuyến đường ở làng Đại học Huế. Các tuyến đường bị đổ rác thải xây dựng do Đại học Huế quản lý. Nếu phát hiện được đối tượng đổ rác, số tiền xử lý hành chính có thể dùng vào việc dọn dẹp rác thải trên vỉa hè tại các tuyến đường. Trước đó, Đại học Huế cũng đã có công văn gửi các địa phương cùng phối hợp, nhưng việc đổ rác thải vẫn diễn ra”.

Xem ra, việc xử lý rốt ráo tình trạng các loại rác thải quanh khu vực làng Đại học Huế khó có thể giải quyết một sớm, một chiều. Ngày lại ngày, những đống rác thải xây dựng lấn chiếm vỉa hè càng cao gây ô nhiễm môi trường, cùng đồng nghĩa là một sự lãng phí quá lớn ngân sách đầu tư xây dựng vỉa hè, tuyến đường ở đây; cần có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa để trả lại cảnh quan môi trường chung quanh làng Đại học Huế.

Bài, ảnh: Anh Phong