Đường nông thôn mới ở Quảng Phú (Quảng Điền)

Đây là một chương trình nhân văn và đầy trách nhiệm của Nhà nước đối với nông thôn. Nói gì thì nói, nông thôn vẫn là nơi chịu thiệt thòi nhất trong quá trình phát triển của xã hội. Có một điều,  qua chương trình này, gánh nặng nợ nần để lại không nhỏ.

Một con số thống kê cho biết, tính đến hết tháng 1/2016, tổng số nợ đọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên bình diện cả nước là 15.200 tỷ đồng. Nơi nghèo thì nợ ít, nơi khá hơn thì nợ nhiều hơn. Thừa Thiên Huế cũng không nằm ngoài tình trạng này. Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, tính riêng huyện Quảng Điền, chỉ có 1/10 xã hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới là không nợ. Số còn lại đều có nợ, nghĩa là tỷ lệ chiếm đến 90%. Trung bình mỗi xã nợ từ 2,5-3 tỷ đồng.

Vậy chương trình này nợ của ai? Tất nhiên là nợ của doanh nghiệp.

Nhìn lại một quá trình chừng hơn 5 năm trở lại đây, các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng trải qua quá nhiều khó khăn. Khi khủng hoảng kinh tế thế giới diễn ra, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế của Việt Nam, Chính phủ cắt giảm đầu tư công, xã hội hạn chế đầu tư xây dựng các công trình, nhiều doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực xây dựng, thi công công trình rơi vào khó khăn, thiếu công ăn việc làm, doanh thu sụt giảm, thậm chí có nhiều doanh nghiệp ngưng hoạt động. Đối với các doanh nghiệp nhỏ, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới như “một chiếc phao cứu hộ”, mở ra cơ hội việc làm cho doanh nghiệp. Cứ tưởng “dễ ăn” nhưng hóa ra “nuốt khó trôi”.

Ai cũng biết, doanh nghiệp hoạt động, rất ít doanh nghiệp vốn tự có dồi dào mà chủ yếu phụ thuộc vào vốn vay, có khi lên đến 50 -70%. Một công trình giá trị vài tỷ, nợ đọng dây dưa kéo dài một,  hai năm là coi như doanh nghiệp “ngồi trên đống lửa”. Doanh nghiệp bị đè nặng bởi lãi suất ngân hàng. Rồi có khi kéo theo một dây chuyền nợ nần khác - nợ vật liệu xây dựng, nợ vật tư thi công, nợ công thi công công trình. Ở một khía cạnh khác, tính mục tiêu tốt đẹp của chương trình này do thực hiện hoặc đầu tư chưa đúng đã có phần nào bị méo mó. Ví dụ như một xã, điều kiện kinh tế chưa khá giả, trong khi nhiều công trình khác còn thiết thân với người dân hơn thì lại đi đầu tư một nhà văn hóa lên đến vài tỷ đồng. Việc xây dựng mới đã nợ thì lấy gì cho việc duy tu bảo dưỡng sau này khi công trình xuống cấp ?

Vấn đề là tại sao các địa phương có nguồn thu ít lại hào hứng với chương trình này và doanh nghiệp lại ứng vốn thi công trong khi biết rằng, nợ đọng xây dựng cơ bản là một bệnh “mãn tính” ở nước ta.

Về phía doanh nghiệp thì không khó hiểu. Như trên đã nói, rất có thể doanh nghiệp gặp khó khăn trong một thời gian dài, bây giờ cơ hội việc làm, thu nhập mở ra tại sao không chớp lấy! Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn - doanh nghiệp nghĩ rằng, đây là chương trình mục tiêu quốc gia, làm gì đến nỗi thiếu vốn(?!)

Còn về chính quyền, tại sao không có vốn lại mạnh dạn đầu tư đến vậy trong khi nguồn vốn thiếu hụt, lại có nhiều đơn vị thi công bị nợ đọng, rất có thể tình trạng này sẽ tạo ra kẽ hở cho việc “chạy vốn trả nợ”.

Điều ấy cũng có thể hiểu, ở một phương diện nào đó, mức độ nào đó trong khía cạnh này, doanh nghiệp bị hao mòn sức lực và yếu đi …?

NGUYÊN LÊ