Nơi có người cha đang chờ cô. Người không sinh và chưa từng nuôi nấng nhưng tự bao giờ, ông luôn đồng hành cùng sự lớn khôn của chị em cô.
***
Ngày ấy, đơn vị của Phúc được điều động ra Quảng Trị giữ Thành cổ, gia nhập Trung đoàn 48, thuộc Sư đoàn 320B. Mục đích của phía ta là kéo dài chiếm giữ Thành cổ từ 2 tuần thành 3 tháng để giúp Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam duy trì được thế mạnh trên bàn đàm phán tại Pari.
Nhiều lúc ôm gối, khi thu mình hàng chục tiếng đồng hồ trong hầm, nỗi nhớ nhà giằng xé bản thân, Phúc lại nghĩ đến đồng đội. So với họ, anh hạnh phúc hơn vì đã có vợ, có những đứa con gái xinh đẹp đang ngày đêm trông ngóng tin cha.
Lương thực cạn dần, ngoài lương khô mọi người hái lá bứa, môn thục và rau tàu bay… về chế biến thức ăn với nguồn nước đục ngầu do mưa bom bão đạn từ sông Thạch Hãn. Địch nã súng suốt ngày đêm, thế mà hôm nào được giao nhiệm vụ ra sông lấy nước Phúc đều thấy sung sướng, không chỉ được thẳng người mà còn tha hồ ngụp lặn.
Ngày thứ 49, Phúc được phân công đi hái rau dại cùng Bình, một chiến sĩ trẻ quê ở Thanh Hóa. Ra khỏi hầm bí mật, họ men đến những khu đất có cây cối để tìm rau. Khi đã nhồi cứng 2 bao rau, chờ tiếng súng thưa hơn, Phúc gật đầu ra hiệu, Bình đáp lại và cả hai cùng trườn về. Nhưng vừa ra khỏi lùm cây, tiếng súng bỗng hối hả, dữ dội hơn. Một cảm giác bất an làm tim Phúc đập mạnh, anh thì thầm:
“Chúng bị điên à? Vừa im ắng được một tý.”
“Kệ chúng, mình bò sát mép sông chắc không sao đâu anh…”
“Đành vậy”
Nhích từng tí một, nhưng chưa được nửa đường Phúc nghe Bình “Á” một tiếng. Anh hỏi nhanh: “Sao thế?”. Không có tiếng trả lời. Phúc hoảng hốt: “Bình… Bình… Chú trả lời anh đi”. Bình vẫn không trả lời. Phúc biết chuyện gì đã xảy ra, cố bình tĩnh, anh dùng sức mạnh nâng toàn thân nhích ngược từng chút trở lại với Bình. Chỉ cách nhau vài ba mét, không lâu lắm để anh đến bên đồng đội. Bình trúng đạn bên vai trái, máu chảy thành dòng thấm hết một vạt áo. Anh đưa tay bịt vết thương:
“Bình, Bình… Nghe anh gọi không? Trả lời anh đi”
Bình mở nhẹ mắt nhìn Phúc:
“Anh cẩn thận. Chúng vẫn điên cuồng đấy. Kệ em.”
“Chú đừng dọa anh. Nào, cùng anh về, nửa đường rồi. Nào, bám sát vào anh… Á…”
Một cảm giác rã rời nhè nhẹ đánh thức Phúc. Ai đó đang dùng khăn ướt liên tục chấm lên trán anh. Sau vài giây, anh phát hiện mình nằm giữa lùm cây ban nãy cùng với Bình, sự việc nhanh chóng trở lại trong trí nhớ, anh ngồi phắt dậy. Người bên cạnh vật anh xuống rồi dùng tấm thân mỏng manh phủ lên người anh:“Đạn vẫn nã như mưa, đồng chí đừng manh động”. Anh thều thào:“Đồng chí Bình cùng đi với tôi đâu rồi?”; “Vẫn ở ngoài ấy, khi tôi thấy hai người thì đồng chí ấy đã hy sinh”
Phúc im lặng. Anh khép hờ đôi mắt, hình ảnh Bình chiếm hết tâm trí anh. Cô gái vẫn thầm thì:
“May mà viên đạn chỉ xước nhẹ bờ vai phải của đồng chí. Chỉ cần nó chệch vài xăng ti mét chắc tôi không cầm được máu.”
“Đồng chí thuộc Trung đoàn nào?”
“Tôi là quân y. Hôm nay, tôi được ra ngoài hái rau.”
Phúc nhìn người vừa cứu sống mình. Giờ anh mới phát hiện cô chỉ mặc một chiếc áo lót mỏng, anh cũng phát hiện ra chỗ bị thương của mình được băng bó bằng chiếc áo quân phục nữ:
“Đồng chí tên gì?”.
“Liên. Nhà em ở Hải Lăng”.
“Là con gái Quảng Trị à?May mà tôi gặp cô”.
“Vết thương của anh không nặng lắm, đừng để nhiễm trùng, vài ngày là ổn. Bạn anh bị viên đạn xuyên sâu, có đưa về hầm chưa chắc đã cứu được.
“Tội nghiệp cậu ấy. Còn trẻ quá”
Liên thở dài. Đến nửa đêm tiếng súng giảm dần, những đợt tiếp theo chỉ còn thưa thớt. Hai người bò về đến Sở Chỉ huy đã 2 giờ sáng.
***
Tháng 9/1972, ta có lệnh rút quân, chấm dứt trận chiến ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Tổng cộng Phúc trúng đạn 3 lần, may mắn chưa viên nào cướp mạng anh. Anh cùng đồng đội rút theo hướng Nam, đến Mỹ Chánh thì trời tối phải dừng nghỉ đêm.
“Anh Phúc”
“Ồ… Liên. Anh tưởng em đã về đến nhà rồi”
“Nhà em cách đây không xa. Em vừa chia tay đơn vị. Hay, anh về nhà em nghỉ ngơi, mai quay lại sớm”
“Được thế thì hay quá. Nhưng có làm phiền Liên không?”
“Phiền gì mà phiền. Thấy các anh, cha mẹ em mừng lắm”
Đúng như lời Liên, thấy hai người cả nhà cùng rơi lệ. Là chiến sĩ giải phóng, đồng đội của con gái nên cha mẹ Liên xem Phúc như người thân. Trong lúc mọi người hỏi han nhau, mẹ Liên vào bếp đun vội nồi khoai. Ăn uống xong, cha cô đưa Phúc ra giếng. Khi quay lại, anh thấy không khí thay đổi hẳn. Cha mẹ Liên lấm la lấm lét nhìn nhau, rồi họ nhìn con gái, rồi lại đưa mắt nhìn Phúc. Liên ngồi ủ rũ giữa nhà, tay cầm tờ giấy ngả màu. Phúc biết đó là tờ giấy gì. Anh ngước nhìn ông bà cụ, họ gật đầu. Anh đến bên Liên, đỡ cô đứng dậy:
“Có lẽ không khí ngoài trời dễ chịu hơn. Để anh đưa em ra đó”
Họ bước những bước chân nặng nề ra sân. Phúc ngồi im lặng bên cô, mãi anh cũng thốt ra được một câu “Chiến tranh mà…”. Liên gục đầu vào vai anh, bắt đầu nức nở:
“Giữa bom đạn, giành giật đồng đội với tử thần, mỗi một chiến công em lại cất vào nhật ký, chờ ngày gặp anh ấy cùng khoe. Không biết là bao giờ, nhưng em cứ tin sẽ có ngày đó. Vậy mà…”
Trong đầu Liên lúc này nhiều cảm xúc khác nhau. Lúc thì chới với với hình ảnh của chồng, lúc lại trống rỗng. Cả ngày Phúc vẫn làm điểm tựa cho cô. Cơ thể họ sát nhau, nhưng mỗi người đeo đuổi một dòng suy nghĩ. Cho đến lúc Liên nấc lên, Phúc choàng tay qua vai cô, tay kia lau nước mắt cho cô. Cha mẹ Liên vẫn chưa về, không gian vẫn tĩnh lặng. Phúc cúi mặt xuống, cô không phản ứng, anh dừng lại vài giây khi hai chiếc mũi chạm vào nhau. Liên hạ bờ mi, đưa tay quàng lên vai anh.
***
Sau ngày 26/3/1975, quê hương tưng bừng chiến thắng. Phúc tất bật kiếm tìm đồng đội. Một lần đến trụ sở ủy ban mới, anh giật mình nhận ra Liên. Cô vào Huế để tìm đồng đội cũ của chồng với hy vọng có chút thông tin. Họ nhìn nhau nghẹn ngào. Phúc ú ớ:
“Em khỏe chứ?”
“Em vẫn tốt”
“Hai bác vẫn khỏe chứ?”
“Cảm ơn anh, cha mẹ em vẫn khỏe…”
“… Anh đi đây. Cho anh gửi lời thăm hai bác”.
Phúc muốn chạy thật nhanh, nhưng lại muốn hỏi thêm điều gì đó, bước chân trở nên nặng nề.
“Anh Phúc…”
Phúc quay người. Liên nhìn thẳng vào mắt anh:
“Cu Sơn đã hơn hai tuổi rồi. Con mang họ của em… Em nghĩ nên để anh biết sự tồn tại của con”
Nói rồi, Liên đi như muốn vụt biến mất.
***
Phúc không đáp lời chào của các con, anh đi thẳng vào phòng và biết vợ đang theo sau. Thu khép cửa. Phúc ngước nhìn vợ, mắt không hề chớp. Anh đã suy nghĩ thật nhiều. Mọi cái rối bời. Thu bước nhẹ đến bên chồng, ngồi xuống, đặt khuỷu tay lên đùi anh, ngước nhìn đôi mắt thất thần của chồng:
“Em đón nhận tất cả, hãy san sẻ với em, đừng để trong lòng”
Phúc phủ phục trước vợ. Cô im lặng. Anh cũng im lặng. Trong căn phòng nhỏ, không gian lắng đọng đến lạnh lùng.
***
Đã 3 ngày kể từ hôm vợ chồng Phúc đến, Liên như người mất hồn, cô hết sức thán phục Thu. Chị đến căn nhà của người đàn bà sinh con với chồng mình, nhìn Liên bằng đôi mắt trìu mến, thứ tha. Họ đề nghị để Sơn mang họ cha và cho nó được nhận gia đình. Lúc đó và bây giờ, cô chưa có câu trả lời.
Cô tạo ra Sơn vào cái ngày nhận tin dữ. Vượt bao khó khăn để sinh ra đứa con này, giờ phút nó chào đời cô nghĩ nhiều đến Hoàng – người chồng đã hy sinh. Cô muốn có mối liên hệ giữa 3 người nên đặt tên con là Sơn. Nguyễn Hoàng Liên Sơn.
Một góc nào đó trong tim cô cũng có hình ảnh Phúc, cô chưa bao giờ oán hận anh kể cả lúc sinh con một mình. Sơn là món quà thượng đế bù đắp cho cô.
“Mẹ ơi, có chú bộ đội đến nhà mình”!
Tiếng con trẻ lôi Liên trở lại với thực tế. Cô quay về phía cổng. Hoàng trong bộ quân phục màu xanh đứng sừng sững trước mặt cô. Anh già đi nhiều sau bao nhiêu năm không gặp. Nhưng cô nhận ra anh ngay khoảnh khắc đầu tiên. Toàn thân Liên nổi gai ốc, rồi cô ngã khụy.
***
Đêm đã khuya, Hoàng vẫn ngồi thừ trên ghế, chống tay lên bàn, nhìn chăm vào màn đêm qua khung cửa sổ. Sau lưng anh, chỉ cách mấy bước, Liên nằm yên trên giường, anh biết cô cũng không ngủ được. Anh tin câu chuyện giữa cô và Phúc.
Chiều nay, khi thắp hương cho tổ tiên để xin hạ di ảnh, Liên thấy đôi mắt anh vô hồn. Ngày ấy, anh được điều động vào đội tình báo. Để bảo đảm bí mật, đơn vị làm giấy báo tử gửi về gia đình. Anh không có cách nào báo cho Liên biết. Huế giải phóng, anh lại vào Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Chiều nay, khi nhìn người thanh niên trong di ảnh, anh tự hỏi rằng anh có giận Liên không? Hoàng – Liên – Sơn, chao ôi, đứa bé không liên quan gì đến huyết thống của anh, thế mà cô ấy buộc cho anh một sợi dây liên kết chặt đến thế. Chừng ấy là quá đủ để anh tha thứ, quá đủ để anh đón nhận. Liên của anh không có tội. Bé Sơn cũng không có tội. Liên khẽ ngồi dậy khi thấy Hoàng bước chậm về phía mẹ con cô. Anh kéo màn, ngồi xuống bên cô. Họ im lặng, Hoàng kéo Liên sát vào thân hình đen sạm mà ấm áp của anh. Anh cảm nhận được những giọt nước mắt hạnh phúc của cô đang chảy xuống bờ vai mình.
***
Ngày đất nước giải phóng, chị em Trà Giang và Hồng Giang mới tròn 8 tuổi. Ký ức về chiến tranh không có nhiều trong dòng suy nghĩ của hai chị em song sinh. Không lâu sau, một chú bộ đội đến nhà họ, dắt theo đứa bé trai 3 tuổi, từ đó họ có thêm em Sơn.
Sơn theo ba Hoàng, mẹ Liên vào Nam sống, cứ hè đến cậu về với ba Phúc, mẹ Thu và các chị. Mỗi lần về nhà, mẹ Liên lại chuẩn bị thật nhiều quà cho các chị. Còn Sơn, cậu bé lớn lên được hưởng trọn tình yêu của cả hai quê hương, nơi đâu cậu cũng thấy nhớ mỗi khi xa và mong sớm trở về để hưởng trọn sự ấm áp. Thời gian cứ thế trôi qua, 3 chị em giờ đã là những thanh niên. Tốt nghiệp đại học Kinh tế, Hồng Giang cương quyết ở lại với ba mẹ. Cô vốn yêu từng con đường, dòng sông và mải miết ngắm nhìn núi Ngự Bình từ xa nên không bao giờ có ý định rời bỏ quê hương. Trà Giang muốn bay xa hơn và cô cũng muốn có một thời gian được sống trong sự che chở, đùm bọc của ba Hoàng mẹ Liên.
Tàu lăn bánh, thành phố thân thương dần lùi lại phía sau. Hai bên đường, những hàng cây xanh và đồng ruộng bát ngát, xa xa nơi vùng quê Hương Thủy, một vài căn nhà cao tầng mọc lên. Trà Giang thả hồn với cảnh đẹp trên quê hương cô. Tất cả. Tất cả có được phải chăng vì đất nước này có những con người như những người cha, người mẹ của chị em cô.
Tháng 7/2016
HẢI CHÂU