Tờ Teleghraph cho biết, trưa ngày 13/7 (giờ Anh), ông David Cameron rời khỏi dinh thự số 10 phố Downing – nơi ở và làm việc của Thủ tướng Anh, đến điện Buckingham và nộp đơn từ chức lên Nữ hoàng Anh. Sau đó, bà Theresa May vào yết kiến Nữ hoàng trước khi chính thức trở thành nữ Thủ tướng thứ 2 của Anh, sau “bà đầm thép” Margaret Thatcher, bắt đầu đưa nước Anh vào một giai đoạn mới.

Tân Thủ tướng Anh Theresa May (trái) và người tiền nhiệm David Cameron. Ảnh: Telegraph

Tạm biệt Thủ tướng Cameron

Ngày 24/6, chỉ vài giờ sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý với 52% người dân Anh quyết định rời khỏi EU, ông David Cameron – người ủng hộ Anh tiếp tục ở lại EU, tuyên bố từ chức Thủ tướng khi cho rằng mình không còn thích hợp là thuyền trưởng để chèo lái đất nước tới bến bờ mới.

Mặc dù thất bại trong chiến dịch vận động người dân Anh ở lại EU dẫn đến việc từ chức, nhưng không thể phủ nhận vai trò của ông Cameron với một số thành tựu nổi bật. Năm 2013, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Cameron, nước Anh đã thông qua dự luật cho phép hôn nhân đồng tính. Năm 2014, Anh đã trở thành quốc gia lớn đầu tiên đáp ứng được mục tiêu của Liên Hiệp quốc khi dành 0,7% GDP cho các khoản viện trợ nước ngoài. Dưới thời của ông, Đảng Bảo thủ cũng đã thông qua dự luật về chế độ nô lệ hiện đại năm 2015; theo đó, các doanh nghiệp phải công bố báo cáo thường niên phác thảo các bước thực hiện nhằm ngăn chặn tình trạng nô lệ trong chuỗi cung ứng của họ ở Anh và ở nước ngoài. Một cải cách mới trong quân đội cũng được thực hiện khi chính phủ Anh quyết định dỡ bỏ lệnh cấm nữ giới tham gia vào lực lượng binh sĩ tiền tuyến và được phép chiến đấu trong hàng ngũ bộ binh và các đơn vị xe tăng.

Phát biểu một ngày trước khi từ chức hôm 12/7, ông Cameron nói với Telegraph rằng, “tôi đến phố Downing để đương đầu với các vấn đề của đất nước chúng ta và lãnh đạo nhân dân thông qua các quyết định khó khăn để chúng ta có thể cùng nhau đạt được những điều tốt đẹp hơn”. “Khi tôi rời khỏi đây hôm nay, tôi hy vọng rằng mọi người sẽ chứng kiến một đất nước mạnh mẽ hơn, một nền kinh tế phát triển hơn, và có được nhiều cơ hội hơn trong cuộc sống. Tôi tự hào về những gì chính phủ này đã đạt được, và được phục vụ đất nước mà tôi yêu quý chính là một đặc ân”, ông Cameron khẳng định.

Trong cuộc họp nội các cuối cùng mà ông Cameron chủ trì trên cương vị Thủ tướng hôm 12/7, tờ Telegraph cho biết, bà Theresa May đã ca ngợi vai trò của ông Cameron trong những đóng góp hàng đầu cho nước Anh qua các cuộc khủng hoảng tài chính và trong việc đảm bảo nước Anh chống lại sự gia tăng của “các mối đe dọa khủng bố”.

Nhiều thách thức với tân Thủ tướng May

Giành được đa số sự ủng hộ, ngay cả của cựu Thủ tướng Cameron, chiều tối ngày 13/7 (giờ địa phương), Bộ trưởng Nội vụ Theresa May đã chính thức trở thành người đứng đầu Đảng Bảo thủ cầm quyền Anh và nhậm chức Thủ tướng Anh, sau khi đối thủ của bà, Andrea Leadsom bất ngờ rút khỏi cuộc đua.

Tờ Guardian dẫn lời ông Cameron nói rằng, “bà May là một người mạnh mẽ, có năng lực, và có khả năng mang lại sự lãnh đạo mà đất nước chúng ta cần đến trong những năm tới. Tôi hoàn toàn ủng hộ bà ấy”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nước Anh đang rơi vào tình thế mà chuyên gia Matthias Matthijs của Washington Post mô tả là “cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ tháng 5-1940”, tân Thủ tướng May được cho là sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước mắt. Bà sẽ chỉ có 2 ngày, không phải vài tháng, để xây dựng một đội ngũ lãnh đạo nhằm đưa nước Anh thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Tờ Guardian ngày 12/7 dự đoán, bà Theresa May có thể sẽ đưa thêm nhiều gương mặt nữ vào nội các mới nhằm thúc đẩy cân bằng giới. 

Tân Thủ tướng Theresa May cũng phải gánh chịu sức ép để đưa ra kế hoạch cho việc thực hiện lộ trình Brexit một cách thành công, trong bối cảnh các nhà lãnh đạo EU cảnh báo bất kỳ sự trì hoãn nào trong tiến trình này cũng đều có thể kéo dài những bất ổn kinh tế vốn đang làm xáo trộn các thị trường tài chính nước Anh cũng như thế giới trong những ngày qua.

Trong một chuyến thăm trụ sở của Đảng Trung hữu bảo thủ trước đó, bà May lên tiếng  lời kêu gọi cả nước Anh đoàn kết để vượt qua thời điểm khó khăn khi Anh rời khỏi EU. “Giờ đây, hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải hợp lực cùng nhau, để thực hiện tiến trình Brexit, để xây dựng một đất nước tốt đẹp cho tất cả mọi người, và để đất nước thực sự đoàn kết,” bà May nhấn mạnh. “Chúng ta hãy nỗ lực hơn nữa. Và chúng ta hãy chắc chắn rằng khoảng thời gian này sẽ được sử dụng một cách tốt nhất, để đất nước đi đến thành công”, tờ Telegraph ngày 13/7 dẫn lời bà Theresa May.

840.000: là số thất nghiệp giảm được dưới thời ông David Cameron, từ 2,51 triệu người xuống còn 1,67 triệu người không có việc làm.
10%: Giá trị của đồng bảng Anh giảm 10% so với đồng USD kể từ khi ông Cameron lên nắm quyền.
2.256: Là số ngày ông Cameron giữ chức Thủ tướng Chính phủ Anh, chủ trì 215 cuộc họp của nội các.
33%: Là tỷ lệ nữ giới trong nội các, tăng 19% so với con số 14% trong những ngày đầu tiên ông Cameron là Thủ tướng.
483 triệu tấn: Là lượng phát thải khí nhà kính tại Anh trong 3 tháng đầu năm nay, giảm từ mức 588 triệu tấn cùng kỳ 6 năm trước.
333.000: Là lượng di cư thuần trong năm 2015, tăng từ 244.000 người tính tới tháng 6/2010.

TỐ QUYÊN (Tổng hợp và lược dịch từ The Telegraph, The Guardian & Reuters)