Trở lại cây hoa nói trên, hàng ngày đi ra đi vào đều nhìn thấy nó, lâu dần thành quen, thấy cũng hay hay. Lá cây màu xanh đậm, mọc đối, có mùi thơm cay dễ chịu. Hoa mọc thành chùm, mỗi cành hoa có hai, ba bông hoa; các bông hoa to bằng cái chén uống nước nhỏ (loại chén mắt trâu). Mỗi bông hoa lại gồm nhiều hoa nhỏ mọc thành từng vòng tròn (sau này học lên các lớp trên, chúng tôi mới biết đó là kiểu vòng tròn đồng tâm). Hoa nở hầu như cả bốn mùa. Cái hay của những bông hoa này là mỗi vòng hoa nhỏ lớn dần lên, từ ngoài vào trong, lại biến đổi màu theo thời gian; đầu tiên khi mới nở có màu tim tím, trăng trắng, ít ngày sau hoa lớn dần thì vòng hoa nhỏ phía ngoài chuyển dần sang màu vàng nhạt, rồi màu vàng nghệ, màu đỏ, rồi màu đỏ thẫm. Trên bờ dậu, cây hoa này mọc cùng các cây khác, chúng dựa vào nhau mà lên. Khi hoa nở, cả bờ dậu như một bó hoa nhiều màu trông thật đẹp. Có thể vì thế mà người dân quê trồng cây hoa này chăng? Một thời gian sau quả chín. Quả chín đen tròn như hạt đậu, bọn trẻ hái ăn nhâm nhi vì thấy ngòn ngọt…

Rồi chúng tôi lớn lên mỗi người mỗi ngả… Một hôm ở vùng quê xa, tình cờ tôi gặp lại cây hoa ngày xưa… Và ngạc nhiên hơn khi thấy cây hoa có cái tên xấu xí năm nào được những người nhân hậu gọi là “Cây hoa ngũ sắc”. Ngẫm ra cũng đúng và lại hay nữa vì cây này, hoa trước hoa sau chuyển màu dần theo từng ngày nên nhìn cả bờ hoa có năm màu thật!
 
Hiện nay một số nhà hàng, khách sạn ở thành phố đưa cây hoa ngũ sắc vào trồng làm cảnh, chắc thấy cây hoa dại có nhiều màu khá đẹp. Cách nay ít lâu, thấy bà cụ hàng xóm bảo đứa cháu nội ra lấy cây hoa ngũ sắc ở vệ đường về trồng làm cảnh. Cụ bảo cây này dễ trồng, có hoa đẹp, lại có thể lấy lá làm thuốc chữa bệnh tai mũi họng nữa… Thế là cây hoa năm nào giờ đã có thể ngẩng mặt với đời! Chẳng biết còn những cây hoa dại nào nữa được đổi đời, đổi tên như nó?

Nguyễn Xuân Châu