Trụ sở quốc hội Mỹ. Nguồn: worthynews.com

Với 249 phiếu thuận và 176 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật "Số 2H20 từ Đạo luật Iran." Dự luật được thông qua trong bối cảnh tháng 4 vừa qua, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama thông báo đã mua 32 tấn nước nặng trị giá 8,6 triệu USD từ Iran nhằm hạn chế Tehran tiếp cận nguyên liệu có thể được sử dụng cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, phe Cộng hòa cho rằng số tiền mà Iran thu về có thể được sử dụng vào việc hậu thuẫn khủng bố hay chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Giới phân tích nhận định động thái trên của Hạ viện Mỹ chỉ mang tính biểu tượng bởi Tổng thống Obama từng tuyên bố sẽ phủ quyết bất cứ dự luật nào phá hoại thỏa thuận hạt nhân giữa P5+1 và Iran, song nó cho thấy rõ sự phản đối gay gắt của phe Cộng hòa đối với văn kiện này. Dự kiến trong tuần này, Hạ viện Mỹ cũng sẽ xem xét hai dự luật khác liên quan đến Iran nằm trong danh sách sẽ phủ quyết của Nhà Trắng.

Các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được dỡ bỏ vào tháng 1 vừa qua sau khi nước này và Nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức) đạt được JCPOA. Kể từ đó, Iran đã bắt đầu triển khai chiến dịch thúc đẩy thương mại với các đối tác nước ngoài, trong đó hầu hết các cường quốc phương Tây đều tuyên bố sẽ ủng hộ việc tăng cường quan hệ thương mại với Tehran. Tuy nhiên, Iran vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ duy trì một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran.

Trong một diễn biến khác, 17 quan chức, nghị sĩ đảng Cộng hòa đã lên tiếng hối thúc chính quyền Obama phạt một công ty sản xuất thiết bị truyền thông Trung Quốc vì bị tình nghi vi phạm lệnh kiểm soát xuất khẩu của Iran.

Trong một bức thư do nghị sỹ Robert Pittenger đứng ra đại diện gửi cho các bộ Thương Mại, Tài chính, các chính trị gia đảng Cộng hòa cho biết công ty ZTE Corp đã bất chấp các lệnh trừng phạt cũng như kiểm soát xuất khẩu của Mỹ để bán sản phẩm cho Iran. Theo đó, các chính trị gia này yêu cầu Washington áp đặt lại lệnh trừng phạt đối với ZTE vốn bị tạm đình chỉ từ đầu năm 2016./.

Theo Vietnam+