Trước tòa nguyên đơn trình bày: Chị và bị đơn yêu nhau, đăng ký kết hôn và làm lễ cưới trên cơ sở tự nguyện. Thời gian tìm hiểu yêu nhau chưa đầy một năm. Hồi quen nhau, bị đơn nói “ngọt” quá nên chị “đổ” lúc nào không hay. Thế nhưng sau khi tổ chức lễ cưới vừa tròn 20 ngày (và đã mang thai), chị bàng hoàng, rối bời trước sự việc chồng bị bắt tạm giam về hành vi lừa đảo mấy tỷ đồng. Kết thúc quá trình điều tra, chồng chị bị đưa ra xét xử và lãnh mức án 16 năm tù. Thời gian đầu, dù đau đớn tủi hổ vì hành vi tội lỗi mà chồng trước kia, dù mệt mỏi vì bụng chửa vượt mặt, nhưng vì nghĩa vợ chồng, chị vẫn lặn lội thăm nuôi. Vậy nhưng sau đó, chị tình cờ phát hiện, trước kia chồng chị từng chung sống với một người phụ nữ khác như vợ chồng. Sau đó anh ta kết hôn với người thứ hai và đã ly hôn. Tất cả những điều đó chứng tỏ anh ta lừa dối chị. Sự tổn thương do chồng lừa dối khiến tình cảm trong lòng chị ngày một cạn. Và khi đã không còn tình cảm, chị không hà cớ gì phải chờ đợi 16 năm. Tất cả những điều đó, chị cũng đã trình bày bằng văn bản trong quá trình thẩm phán mời đến tòa án làm việc, trong buổi hòa giải diễn ra tại Trại giam Bình Điền. Tuổi xuân có hạn, chị xin được ly hôn để xây dựng cuộc sống mới. Tòa: “Chị nói chị bị lừa dối là lừa dối về cái gì”? Nguyên đơn: “Bị đơn phạm tội tôi đâu biết. Trước kia anh ta đã có vợ  cũng không nói với tôi. Tôi không chấp nhận hành động xấu xa, lừa đảo”

Tòa hỏi bị đơn: “Nguyên đơn trình bày như vậy anh thấy đúng không”? Bị đơn không trả lời thẳng vào câu hỏi mà chỉ buồn bã nói: “Tôi không có ý kiến gì hết. Tôi đồng ý ly hôn”. Nguyên đơn có vẻ bất ngờ. Bởi trước đó, trong những buổi làm việc với cán bộ tòa án và buổi hòa giải diễn ra tại Trại giam Bình Điền, bị đơn một mực không muốn ly hôn, ra sức thuyết phục nguyên đơn chờ đợi. Bị đơn cho rằng vì mình còn phải thi hành án phạt tù thêm mười mấy năm, không có điều kiện cả về thời gian lẫn kinh tế, nên thỏa thuận giao con (hiện 3 tuổi) cho nguyên đơn trực tiếp chăm sóc nuôi dưỡng, đồng thời đề nghị bên ngoại tạo điều kiện cho bị đơn thăm con (ý nói mong muốn ông bà ngoại đưa cháu đến trại giam cho bị đơn thăm). Bị đơn lo lắng đặt câu hỏi: “Sau này tôi chấp hành xong hình phạt tù, nếu nguyên đơn có chồng khác, tôi được quyền trực tiếp nuôi con không”? Tòa giải thích, lúc đó cháu đã lớn (16 tuổi), nếu cháu đồng ý, anh có quyền đưa cháu về chăm sóc.

Trong khi hội đồng xét xử vào nghị án, bị đơn được công an và bố vợ tạo điều kiện cho tiếp xúc với đứa con nhỏ. Ban đầu, đứa trẻ lạ bố, thậm chí tỏ vẻ sợ sệt. Ông ngoại thủ thỉ giải thích với cháu “đây là ba của con, ba trong ảnh mà ngày mô ông cũng chỉ cho con đó”. Đoạn ông phân trần với mọi người: “Ngày nào tôi cũng chỉ ba nó trong tấm ảnh cưới cho cháu biết. Dù sao đi nữa, tình cha con ruột thịt là không thể nào chối bỏ. Có lẽ nhìn ba nó hôm nay khác với trong ảnh nên nó lạ”. Dần dần đứa trẻ mới “quen hơi” ba, chịu để cho ba bế, bi bô nói cười với ba. Ông ngoại cháu vội vàng lấy điện thoại di động chụp ảnh hai cha con. Có lẽ người đàn ông nhân hậu ấy muốn lưu giữ cho cháu ngoại những “khoảnh khắc” đáng nhớ, sau này nuôi dưỡng tình cảm cha con cho đứa cháu, dù người cha từng phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật.

Một cán bộ công an Trại giam Bình Điền (trong lực lượng dẫn giải bị đơn từ trại giam về phiên tòa hôm đó) cho biết, thời gian qua phạm nhân này cố gắng rèn luyện, cải tạo rất tốt. Anh ta phải trả giá cho hành vi vi phạm pháp luật là đương nhiên. Kể cả đối với mối quan hệ gia đình, anh ta cũng phải chịu trách nhiệm. Nhưng dù sao trong lúc đang ở tù mà rơi vào cảnh gia đình ly tán…, anh ta cũng thật là đáng thương. Đây không chỉ là bài học quá “đắt giá” cho những người trong cuộc mà còn là “lời nhắn gửi” đến bất cứ ai, rằng phải có trách nhiệm trong mỗi hành vi và không bao giờ vi phạm pháp luật.

 DUY TRÍ