Nhân viên thú y đang phân loại những con gà bị nhiễm bệnh trong một trang trại ở làng Modeste, Bờ Biển Ngà. Ảnh: Reuters

Theo nhận định của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), đợt bùng nổ dịch cúm gia cầm lần này có thể sẽ gây ra những tác động lâu dài đối với nguồn lương thực và sinh kế của người dân.

Cúm gia cầm H5N1 đã lây lan trên một số quốc gia Tây Phi trong 2 năm qua, đánh mạnh vào các trang trại gia cầm. Cameroon và Niger đã trở thành những nước mới nhất trong khu vực bị ảnh hưởng, trong một ổ dịch đã tấn công Burkina Faso, Bờ Biển Ngà, Ghana và Nigeria.

"Virus H5N1 đã thực sự tràn lan tại Nigeria, và chúng tôi lo ngại rằng các nước khác nếu không có ngân sách, nguồn nhân lực và năng lực kỹ thuật thích hợp để loại bỏ bệnh dịch này sẽ phải đối mặt với nguy cơ tương tự", ông Eran Raizman, quan chức thú y cao cấp của FAO cảnh báo.

"Xét về mặt an ninh lương thực và sinh kế thì đây là một vấn đề nghiêm trọng, vì nó cản trở những nỗ lực của người dân để đạt được tiến bộ về kinh tế". "Nếu các chính sách nhắm đến việc tiêu hủy tất cả những gia cầm bị nhiễm bệnh, người dân sẽ mất tất cả những gì mà họ có. Nếu chính phủ không nhanh chóng chi trả khoản bồi thường, họ sẽ không có thứ gì để bám víu", ông cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại với Reuters.

Virus cúm gia cầm H5N1 lây nhiễm sang con người lần đầu tiên vào năm 1997 tại Hồng Kông. Sau đó, nó lan rộng từ châu Á sang châu Âu và châu Phi, và đeo đẳng trong ngành chăn nuôi gia cầm ở một số nước, khiến hàng triệu gia cầm nhiễm bệnh và dẫn tới hàng trăm trường hợp tử vong ở con người.

Theo ông Raizman, mặc dù tình trạng hiện nay đã ở mức khẩn cấp, nhưng việc gây dựng nguồn quỹ cần thiết để giúp các nước như Nigeria đối phó với dịch bệnh và loại bỏ nguy cơ lan tràn của virus H5N1 vẫn là một "thách thức" lớn.

Gần 3,5 triệu gia cầm ở Nigeria đã chết do nhiễm bệnh hoặc bị tiêu hủy để ngăn chặn sự lây lan của virus, FAO cho biết.

"Nếu chúng ta không hành động ngay, chúng ta sẽ phải hối hận suốt nhiều thế hệ, vì sẽ rất khó khăn để kiểm soát bệnh dịch này do sự phát triển của ngành công nghiệp gia cầm ở châu Phi", ông Raizman nhấn mạnh.

Theo FAO, ngành chăn nuôi gia cầm đã phát triển nhanh chóng trên khắp Tây Phi trong thập kỷ qua, chỉ riêng Bờ Biển Ngà sản lượng đầu ra cũng đã mở rộng hơn 60%.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Globalheadlines)