Tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Bình Trị Thiên năm 1981, từ chàng sinh viên nghèo Đào Quốc Huy ở tận Quảng Bình được phân công đến huyện miền núi Nam Đông “gieo chữ”. Sự bỡ ngỡ của những ngày đầu làm công tác giảng dạy ở vùng núi hẻo lánh cũng nhanh chóng qua đi. Điều đọng lại, cũng là kỷ niệm “một thời để nhớ” đối với thầy giáo Đào Quốc Huy là niềm đam mê nghề nghiệp, ngày ngày “gieo” chữ trong gian khó.

Thầy Huy kiểm tra, rà soát hồ sơ chi bộ nhà trường

Gạo không đủ ăn, cả thầy và trò phải đi chặt cây đót, đốn củi về bán, soi dọc dọc, cá suối, ếch núi để cải thiện bữa ăn với bao kỷ niệm buồn, vui. Thầy Huy kể: “Một lần ngủ qua đêm tại nhà dân, bất ngờ rương áo quần chủ nhà bị cháy. Dân quân đến bao vây, điều tra xem có phải người lạ “đột nhập gây án”. Kẻ lạ lúc này chỉ có thầy Huy nên “tất yếu” là “thủ phạm”. Thầy Huy “đền tội” bằng cách phải mua mấy bộ áo quần mới, trị giá hơn tháng lương để đền cho gia chủ. Sau này điều tra làm rõ, nguyên do người dân vứt bỏ tàn thuốc dẫn đến vụ cháy. Chủ nhà tìm đến gặp tôi xin lỗi”.

Đời sống khó khăn đã đành, nạn thú dữ còn rình rập, đe dọa tính mạng. Các lớp xóa mù chữ thường tổ chức vào ban đêm, các trường lại chỉ phân công một giáo viên phụ trách dạy mỗi đêm. Mỗi lần có tin đồn cọp về, ai cũng lo sợ, nhà nào cũng đóng chặt cửa. Riêng thầy Huy phải cắn răng cuốc bộ một mình đến lớp trong đêm vắng.

Sau 9 năm công tác, thầy Huy “kết duyên” với một đồng nghiệp và cũng từ đó thầy quyết định chọn vùng núi Nam Đông làm quê hương. Từ năm 1990 về sau này, thầy Huy trải qua nhiều công việc như tổ trưởng các bộ môn, hiệu phó, hiệu trưởng… Từ năm 2001 đến nay, thầy được tín nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Dân tộc Nội trú Nam Đông. “Tiên học lễ, hậu học văn”, thầy Huy bàn với ban giám hiệu nhà trường ưu tiên giáo dục lễ trước. Thành công bước đầu của trường là tạo được cho các em nề nếp ăn ở nội trú, đảm bảo đạt chuẩn. Các em đều ngoan hiền, lễ phép, đoàn kết, tương thân tương ái. Giờ học ra học, giờ chơi ra chơi…

Trước yêu cầu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, thầy Huy kêu gọi, đề nghị cấp trên quan tâm, từng bước đầu tư cơ sở vật chất. Hệ thống trường học đến nay được xây dựng khá khang trang, tiện nghi, đầy đủ các phòng chức năng, thư viện. Các phòng học, phòng làm việc đều có ti vi, máy tính, kết nối mạng internet. Tài chính tuy còn nhiều khó khăn, thầy Huy cùng với ban giám hiệu vẫn tạo điều kiện cho giáo viên đi học, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, học thêm tiếng Cơ Tu nhằm đảm bảo năng lực công tác cho đơn vị “đặc thù”. Các hội thảo đổi mới phương pháp dạy học cho học sinh dân tộc nội trú được thầy Huy quan tâm, thường xuyên tổ chức. Thầy Huy hướng dẫn cho giáo viên phụ trách đội tổ chức các hoạt động tự quản, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Vào mỗi sáng thứ hai, các giáo viên tổ chức cho các em học sinh lên chào cờ, giới thiệu sách trước cờ, giới thiệu gương người tốt việc tốt, kể chuyện Bác Hồ…

Qua các hội thi, lễ hội, các em tự rèn luyện phương pháp tổ chức quản lý, chỉ huy đội, giao tiếp bằng tiếng Anh nên ngày càng tự tin trong quá trình học tập, giao tiếp trong cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tỷ lệ học sinh khá giỏi hằng năm của trường đều đạt trên 70%. Trường được công nhận đạt chuẩn Quốc gia năm 2014, là kết quả có sự đóng góp công lao to lớn của thầy Đào Quốc Huy…

Điều mà thầy Đào Quốc Huy trăn trở, “tuy nhà trường có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp huyện qua các năm, nhưng đến nay chưa có em nào đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Theo thầy Huy, đây là vấn đề mà thầy và các đồng nghiệp cần phải phấn đấu trong thời gian đến”.

Bà Lê Thị Thu Hương, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông nhận xét: “Hiền lành, bao dung, luôn sống hết lòng, có trách nhiệm với đồng nghiệp, học sinh, thầy Huy là người giáo viên, lãnh đạo mẫu mực, có nhiều đóng góp quan trọng cho ngành giáo dục của huyện Nam Đông. Nhiều thế hệ học sinh của thầy nay đã là cán bộ, lãnh đạo các phòng, lãnh đạo huyện Nam Đông và hơn 50% số giáo viên trên địa bàn huyện”.

Bài, ảnh: Hoàng Triều