Vậy nên, lũ trẻ mê diều chỉ nhăm nhăm chờ hè, chờ đồng gặt xong là rủ nhau cặm cụi suốt từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối mà vót tre, dán giấy và tìm dây buộc diều. Diều quê chế tác khá giản đơn: Đôi giấy rứt ra từ tập vở học sinh, gập, cắt để tạo thành hình vuông. Trên cái hình vuông ấy, dán hai que tre nhỏ, tròn, vót nhẵn. Một que dán thẳng theo đường chéo vuông giấy. Que kia nằm gác ngang, uốn hình cánh cung trên phần đường chéo còn lại (cũng có thể không uốn cung mà dán thẳng theo hình chữ thập. Nói thì đơn giản, nhưng ngày ấy tôi đã phải mất ngót nghét cả tuần - cộng thêm tập vở cũ tả tơi - trước khi có được cánh diều đầu tiên bay vút trời xanh. Và, cái cảm giác hạnh phúc đầu tiên kia - thôi thì… khỏi nói - nó cũng chẳng kém cạnh là bao khi đem so cùng sự kiện Archimedes khám phá ra định luật về vật nổi hay Newton tìm ra sức hút địa cầu!

Làm đuôi diều thì đơn giản thôi; chỉ cần xé giấy thành băng dài hẹp, dán nối cùng nhau. Một đầu đuôi đính vào thân, nơi góc hình vuông có que tre làm “xương sống” của thân. Ấy là cái đuôi chính, tạo “độ bình” cho diều bay. Một đuôi chính là đủ; nhưng lũ trẻ thường thích làm thêm 2 đuôi phụ dán 2 bên đầu “cánh cung” song song cùng đuôi chính. Đuôi phụ ngắn, nhỏ, khi bay sẽ vẫy la lả tạo cho con diều vẻ sống động tung tăng rất chi… con nít, dễ thương!

Ai sinh ra từ “gốc rạ” quê mà chưa một lần nếm cái thú thả diều thì quả có hơi đáng tiếc. Hãy tưởng tượng cảnh buổi chiều hè, gió nồm lên mát lộng, cánh diều rời khỏi tay ta mà từ từ bốc cao, hớn hở vẫy đuôi như muốn gửi lời chào tạm biệt. Còn những đứa trẻ quê cứ nhe răng, hếch mũi, cứ nghệch mặt, mụ người đi mà dõi, mà gửi theo cánh diều kỳ diệu đang chở lên trời hộ chúng bao nhiêu là khao khát, ước mơ.

Riêng tôi – hình như tôi đã bắt đầu biết làm thơ từ dạo nằm lăn vệ cỏ, nghệch mặt ngẩn ngơ dõi theo những cánh diều xa hút. Và, nhớ không lầm, bài thơ hay nhất của đời mình tôi đã kịp viết lên một cánh diều thơ bé gửi tận trời xanh…

Y NGUYÊN