Nguyên nhân cá lồng chết ở Hải Dương được xác định là do thiếu ô xy trầm trọng nhưng vì sao lại thiếu ô xy thì chưa được làm rõ. Chung quy, vẫn là môi trường nuôi thiếu đảm bảo các yếu tố về khoa học, kỹ thuật. Nhiều người cho rằng, do mật độ nuôi quá dày, khi cá còn nhỏ thì không sao nhưng khi cá lớn, nhu cầu hô hấp tăng cao, xảy ra tình trạng thiếu ô xy làm cá chết. Một vấn đề đáng quan tâm khác là khu vực Thai Dương Hạ Nam và Thai Dương Hạ Trung, nơi xảy ra cá chết, nằm sát khu dân cư, xa cửa biển, nguồn nước đối lưu bị hạn chế; đồng thời, rất dễ tác động bởi chất thải sinh hoạt của người dân. Chính quyền địa phương cũng đã cảnh báo về điều này nhưng người dân vẫn cứ nuôi.

Điều này cho thấy, người dân còn rất chủ quan trong chăn nuôi thủy sản; chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt trong quy hoạch vùng nuôi an toàn. Bên cạnh đó, sự chuyển giao hướng dẫn khoa học kỹ thuật nuôi trồng cho người dân còn hạn chế. Đáng nói là tình trạng này cứ thường xuyên diễn ra, lặp đi lặp lại nhiều năm và ở nhiều địa phương. Đầu tháng tư vừa rồi, tại An Cư Đông, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) cũng đã xảy ra cá chết, với gần 50 lồng, số lượng hơn 6.000 con cá đặc sản, thiệt hại hơn 800 triệu đồng. Nguyên nhân được xác định do môi trường thay đổi đột ngột, độ PH trong nước tăng cao…

Là địa phương ven biển cùng với đầm phá Tam Giang-Cầu Hai rộng lớn, Thừa Thiên Huế rất có thế mạnh trong phát triển nuôi trồng Thủy Sản. Nhiều năm qua, nghề nuôi trồng thủy sản đã mang lại nguồn lợi khá lớn cho người dân; tuy nhiên, vẫn gặp không ít rủi ro do môi trường, kỹ thuật nuôi thiếu đảm bảo gây ra.

Tại Quyết định 946/QĐ-BNN-TCTS ngày 23/3/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về phê duyệt “Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản các tỉnh miền Trung đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” thế mạnh về nuôi trồng thủy hải sản ở Thừa Thiên Huế vẫn được xác định, phát triển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa lớn theo cơ chế thị trường hướng đến xuất khẩu hiệu quả. Theo đó, đến năm 2020, Thừa Thiên Huế có diện tích nuôi trồng thủy sản mặn, lợ là 4.560 ha. Trước mắt đòi hỏi phải có sự quy hoạch vùng nuôi an toàn, bền vững cũng như việc hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người nuôi một cách đầy đủ hơn, để thế mạnh đó thực sự phát huy hiệu quả.

Đặng Thành