Tổng thư ký Ban Ki-moon (thứ 3 từ phải sang) phát biểu tại cuộc họp báo khai mạc Hội nghị Quốc tế Bệnh AIDS lần thứ 21 (AIDS 2016) ở Durban, Nam Phi. Ảnh: UN

AIDS 2016 do Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Chương trình phối hợp của LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS) tài trợ, nhằm nâng cao kiến thức về HIV và xây dựng quan hệ đối tác sáng tạo để tăng cường phản ứng toàn cầu về căn bệnh này.

"Tôi kêu gọi AIDS 2016 đánh dấu sự cam kết cho một kỷ nguyên mới, khi chúng ta hoàn thành những gì chúng ta đã bắt đầu: thời đại của một phản ứng nhanh chóng", Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói trong một cuộc họp báo khai mạc AIDS 2016.

"Để kết thúc đại dịch này, chúng ta phải loại bỏ những rào cản khiến mọi người không thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chúng ta phải mở rộng nguồn lực, khoa học và dịch vụ", ông Ban Ki-moon nói thêm, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ và thúc đẩy quyền của người sống chung với HIV, người đồng tính nam và nam giới khác, những người có quan hệ tình dục với nam giới, những người chuyển giới, mại dâm, người tiêm chích ma túy và tù nhân.

"Khi chúng ta làm được điều này, chúng ta có thể chấm dứt sự kỳ thị và phân biệt đối xử, ngăn chặn sự lây lan của HIV và cứu sống các bệnh nhân", Tổng thư ký LHQ nói thêm.

Hội nghị Quốc tế Bệnh AIDS là hội nghị lớn nhất về vấn đề sức khỏe hay bất kỳ vấn đề nổi bật nào khác trên phạm vi toàn cầu. Hội nghị lần đầu tiên được triệu tập trong thời gian cao điểm của dịch bệnh AIDS vào năm 1985.

Công tác ứng phó với bệnh AIDS trên toàn cầu đang ghi nhận những bước phát triển, với số lượng bệnh nhân được tiếp cận với các phương thức điều trị HIV đạt 15 triệu người vào năm 2015. Từ năm 2002 đến năm 2012, việc mở rộng tiếp cận điều trị HIV đã giúp ngăn chặn 4,2 triệu ca tử vong trên toàn cầu và góp phần làm giảm 58% các ca nhiễm HIV mới, theo số liệu thống kê của UNAIDS.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại ngăn cản các chương trình phòng chống và điều trị HIV, với hơn 60% người sống với HIV không được tiếp cận điều trị kháng virus.

Lê Thảo (Lược dịch từ UN & Newsbout)