Chị em thôn Cổ Lão (xã Hương Toàn) rủ nhau xách làn nhựa, hộp nhựa đi chợ.

Cứ tầm sau 8 giờ sáng, trên các con đường thôn Cổ Lão (xã Hương Toàn) hình ảnh các mẹ, các chị xách làn nhựa đi chợ đã trở thành quen thuộc. Khi chúng tôi đến, chị Chi chuẩn bị ra khỏi nhà với chiếc làn nhựa đỏ cùng mấy chiếc hộp nhựa kèm theo. Nở nụ cười mộc mạc, chị Chi giải thích, nếu không có mấy cái hộp nhựa này để đựng thực phẩm thì vẫn chưa hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng bao bì ni lông. Chị bảo, khi mới nghe tuyên truyền, vận động thực hiện, cũng như nhiều phụ nữ trong thôn, chị không khỏi ngại ngần. Bởi, các bà, các chị đã quen “tay không” đi chợ. Mua món gì người bán đều có túi ni lông, khách hàng chỉ việc xách về. Lấy thức ăn ra, túi ni lông chỉ cần vứt đi là xong.

Sau khi “thấm” những lời “rỉ rả” của cán bộ phụ nữ, chị hiểu việc sử dụng bao bì ni lông có “tiện”, nhưng không lợi, thậm chí tác hại đến sức khỏe của chính bản thân, con cháu. “Khi hiểu có thể bị bệnh tật, thậm chí là bệnh hiểm nghèo như ung thư nếu sử dụng bao bì ni lông đựng thức ăn nóng hoặc gói thực phẩm để trong tủ lạnh; “xả” ni lông ra môi trường, ô nhiễm sẽ tác động ngược trở lại cuộc sống của mình, của cộng đồng, chúng tôi đã dứt khoát lựa chọn làn nhựa, hộp nhựa” - chị Chi bộc bạch. Bà Hoàng Thị Xãng, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Cổ Lão “cụ thể” hơn. Bà chỉ vào mấy đứa trẻ đang chăm chú ngồi tô truyện tranh, dí dỏm: “Tui mà không thực hiện, mấy đứa cháu nội, cháu ngoại tui đây ảnh hưởng chứ ai”.

Đó cũng là suy nghĩ chung của các hội viên Chi hội phụ nữ tổ dân phố 4, phường Hương Chữ. Ngoài làm ruộng, chị Lê Thị Cúc còn hàng thức ăn ở chợ, chị “tranh thủ” tuyên truyền cho khách hàng. Chị Hà Thị Hà, Chủ tịch HLHPN phường Hương Chữ “bật mí”: Hội viên còn “giám sát” nhau bằng cách đặt ra “luật”, nếu chị em buổi nào đi chợ “quên” làn nhựa, hộp nhựa thì bị “phạt” 10 nghìn đồng. Rồi chị cười: “Nói vui vậy thôi chứ ai phạt? Vậy nhưng, chị em cũng lấy điều đó để tự nhắc nhở, không để mình “buông lỏng” ý thức”.

Từ ý thức bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, các chị từ bỏ thói quen “tiện” để tìm đến, giữ gìn sự “lợi”, thông qua việc sử dụng làn nhựa hộp nhựa, hạn chế bao bì ni lông, là một cách làm hữu hiệu, chung tay bảo vệ môi trường. Sử dụng hộp nhựa, làn nhựa có vẻ hơi “cồng kềnh” khi di chuyển, ban đầu chị em có chút ngại, nhưng do “ý thức tiềm năng” về việc bảo vệ sức khỏe, môi trường nên hội viên tích cực hưởng ứng. “Với trách nhiệm của Chủ tịch HLHPN xã, mỗi lần ra chợ quan sát thấy những chiếc làn nhựa, hộp nhựa “theo chân” các bà các chị, tôi cảm thấy thật vui và yên tâm”, chị Hoàng Thị Thảnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hương Toàn chia sẻ.

Theo chị Trần Thị Tuyết, Chủ tịch HLHPN thị xã Hương Trà: Thời gian qua, các chi hội, các phường, xã trên địa bàn thực hiện tốt rất nhiều mô hình như xử lý rác thải, làm sạch bờ biển, thu gom xử lý cá chết theo quy trình đảm bảo vệ sinh... Tuy nhiên, dùng làn nhựa, hộp nhựa đi chợ và hạn chế sử dụng túi ni lông là “điểm nhấn” trong hành động chung tay bảo vệ môi trường của phụ nữ thị xã Hương Trà. Hiện mô hình này đang được tiếp tục nhân rộng.

Bài, ảnh: QUỲNH ANH