Tháng 6/2016 ghi nhận mức nóng kỷ lục. Ảnh: AP
"Nhiệt độ trung bình toàn cầu trên mặt đất và bề mặt biển trong tháng 6/2016 đạt mức cao nhất trong mọi tháng 6 được ghi nhận trong bản dữ liệu nhiệt độ toàn cầu của NOAA, bắt đầu từ năm 1880", cơ quan này cho biết trong một tuyên bố. "Thông tin này đánh dấu tháng thứ 14 liên tiếp mức nhiệt kỷ lục toàn cầu hàng tháng bị phá vỡ, đợt nóng kéo dài nhất trong kỷ lục 137 năm".
Theo báo cáo được NOAA phát hành hàng tháng, nhiệt độ toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2016 cũng cao đạt mức kỷ lục.
Nhiệt độ trung bình kết hợp trên mặt đất và biển bề mặt toàn cầu trong tháng 6/2016 cao hơn 1,62°F (0,9°C) so với mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20 là 59,9°F (15,5°C).
Nhiệt độ trung bình trên mặt đất của hành tinh này trong tháng 6 cũng cao hơn mức trung bình hàng tháng của thế kỷ 20 đến 2,23°F, vượt qua cả mức nóng kỷ lục của mọi thời đại được đánh dấu vào tháng 6 năm ngoái.
Nhiệt độ bề mặt nước biển trung bình cũng cao hơn 1,39°F so với mức trung bình hàng tháng của thế kỷ trước, đánh dấu tháng trước là tháng 6 nóng nhất trong lịch sử và cũng là tháng nóng nhất trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay.
Các chuyên gia cho rằng, sự ấm lên toàn cầu một phần do một số thảm họa môi trường diễn ra trên thế giới, từ tình trạng rạng san hô ngầm Great Barrier Reef của Úc bị “tẩy trắng”, cho đến nạn cháy rừng ở khắp Canada.
Theo nhận định của nhà khí hậu học Gavin Schmidt từ NASA, nhiệt độ đạt mức cao một phần gắn liền với mô hình thời tiết El Nino - liên quan đến các vùng nước ấm ở Thái Bình Dương, nhưng 60% là do "các yếu tố khác, bao gồm cả sự ấm lên một cách nghiêm trọng ở Bắc Cực", và cảnh báo rằng "xu hướng này sẽ còn tiếp tục".
Tố Quyên (Lược dịch từ AFP & CNA)