Đúng là điểm bán “thịt lợn sạch” này thu hút nhiều khách hàng. Có lúc cung không đủ cầu. Ai chậm chân là hết hàng. Nghe bảo có khi người bán còn đưa ra định lượng để bán, nghĩa là mỗi người chỉ được mua một số lượng nhất định, còn để bán cho người khác nữa.

Trong lúc thông tin về thực phẩm không an toàn nhan nhản khắp nơi, những điểm gắn mác “sạch” thu hút sự chú ý của người tiêu dùng cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng vấn đề là ai và làm sao để xác nhận sạch hay không sạch.

Xét về mặt nguyên tắc, thịt lợn cung cấp tại các lò mổ tập trung đều là thịt sạch. Nghĩa là lợn giết mổ tại đây đều được cơ quan chức năng xác nhận “khỏe mạnh, an toàn”. Nếu thịt lợn bán ở đây được lấy từ các lò mổ tập trung về bán thì suy cho cùng cũng giống như ở các chợ. Thế thì tại sao lại gắn thêm mác “sạch” nữa làm gì ?!

Hiện, Huế có 2 loại thịt lợn chủ yếu cung cấp cho thị trường - theo cách nói thông thường là lợn F và lợn siêu. Loại đầu được lai tạo từ mẹ móng cái và bố là lợn ngoại, có 2 loại là F1 và F2 (F3 cũng có nhưng rất ít). Loại tiếp theo là lợn thuần ngoại. Với đặc tính dễ nuôi, lợn F được người nuôi nhỏ lẻ ưa chuộng. Lợn thuần ngoại muốn nuôi đạt hiệu quả đòi hỏi điều kiện khá cao, kể cả đầu tư chuồng trại, thức ăn, môi trường… Đặc điểm của loại lợn thuần ngoại tăng trọng nhanh, thời gian nuôi ngắn, tỷ lệ nạc cao. Vì giá thành cao nên nó phù hợp với các trại nuôi tập trung.

Với sự hiểu biết của người viết bài này, lợn sạch hay không sạch phụ thuộc vào thức ăn, điều kiện giết mổ, vệ sinh nơi kinh doanh... Như vậy, nếu giết mổ tập trung, có sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan chức năng thì các loại thịt lợn ra khỏi lò mổ đều sạch như nhau. Nếu có sự khác nhau là ở hai điều kiện: thức ăn, vệ sinh nơi kinh doanh.

Trên thực tế, vùng ven thành phố Huế, người dân nuôi lợn F thường sử dụng thức ăn tự chế biến là chủ yếu. Trong đó có rất nhiều hộ nuôi tận dụng thức ăn thừa của các hàng quán. Điều kiện thức ăn như vậy khó có thể nói là sạch bởi các thành phần dinh dưỡng cho lợn phát triển khó có thể phối trộn một cách cân đối, khoa học.

Lợn thuần ngoại nuôi tại các trại chăn nuôi tập trung thường cho ăn thức ăn công nghiệp. Trên thị trường hiện nay, các loại thức ăn đa dạng nhưng phần lớn được sản xuất theo công nghệ của các nước có ngành chăn nuôi phát triển và thường do các tập đoàn lớn sản xuất. Vì vậy, các thành phần dinh dưỡng trong thức ăn được tính toán để lợn phát triển mang tính khoa học cao. Cộng thêm điều kiện sản xuất, bảo quản thức ăn khá tốt nên lợn được nuôi bởi những yếu tố này sẽ cho thịt giàu chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nếu điều kiện kinh doanh, vệ sinh, bảo quản tốt thì khả năng thịt nhiễm khuẩn ít và ngược lại.

Như đã phân tích, điểm bán thịt lợn sạch dựa vào đâu để quảng cáo là “thịt sạch” ? Có khi người tiêu dùng tìm đến đấy dựa trên cảm tính, “phong trào” là phần nhiều. Có khi phải bỏ ra một số tiền nhiều hơn nhưng chưa hẳn đã mua được thịt sạch.

Mà, chuyện “sạch” đâu chỉ riêng mỗi thịt lợn…

NGUYÊN LÊ