Như một “bộ phận không nhỏ” người Việt, vấn đề quê quán của tôi khá… long đong nhưng lại đầy thú vị. Ba tôi quê ở làng Thế Chí Tây, Phong Điền, Thừa Thiên Huế, mẹ tôi quê Ninh Bình nhưng lại sinh tôi ở Thanh Hóa, và tuổi thơ tôi gắn với Thanh Hóa. Và may mắn là, cả 3 nơi này, nơi nào cũng coi tôi là quê ở đấy, và tôi vô cùng hạnh phúc về điều ấy.

Nhưng cũng phải nói thật, cái làng Thế Chí của tôi ấy, tôi được sống với nó quá ít.

Sau năm 1975 thì cả gia đình tôi bán nhà ở Thanh Hóa, về quê, sau khi mẹ sai tôi đi một chuyến cùng ba về quê “thám thính” và khi quay ra thì tôi toàn… Ok, dù quê tôi hồi ấy rất nghèo. Mà thực ra thì cả nước rất nghèo, nhưng dù gì ở Thanh Hóa nhà tôi đang sống rất ổn định, ba mẹ về hưu, có nhà có vườn có ao… Nhưng cái máu phiêu dịch cộng thêm cái háo hức về quê thường trực trong người đã khiến tôi nghiêng hẳn về phía ba, ủng hộ ba và mẹ phải… gật. Khỏi phải nói ba tôi đã mừng đến như thế nào, bởi trước đấy, trong tất cả những câu chuyện sinh động nhất, tình cảm nhất, trữ tình nhất... mà người đàn ông ít nói hiền lành có phần thô vụng như ba tôi có thể kể được, thì đều về cái quê rất đẹp của ông, có cát, có dương, có biển... và có những người thân yêu của ông. Tự lúc nào, tôi cũng thuộc lòng những điều ba kể, và tự hào về quê, sự tự hào nhiều lúc thái quá, thậm chí dẫn đến đánh nhau kiểu trẻ con khi mà cái gì tôi cũng tuyên bố quê tôi là nhất... dù lúc ấy hoàn toàn, có tưởng tượng giỏi đến mấy, cũng không hình dung quê ra làm sao?

Hồi mới mới đọc cái đoạn tự truyện của chị Ái Vân đăng trên Thanh Niên kể về lần đầu tiên chị vào TP Hồ Chí Minh. Tôi cũng… gần y như thế. Trước khi vào, ba tôi bắt tôi đi… cắt tóc, trắng hếu xung quanh (giờ đang là mốt), quần áo kiểu bộ đội, dép cao su dù tôi đang có dép Tiền Phong. Và quà mang vào cho các cô em ba tôi, là mấy cái phích Trung Quốc, mấy cái lốp xe đạp và… mũ cối…

Xe qua cầu Hiền Lương, vừa vào đất Quảng Trị đã thấy khác rồi. Đầu tiên là cách ăn mặc. Trong khi ngoài Bắc tuyền màu sẫm và phụ nữ chỉ quần đen thì ở đây phấp phới các bộ đồ đủ màu khiến kẻ mới lớn như tôi háo hức như lần đầu ngồi trong rạp hát. Đổi xe thì cách lái xe cũng khác. Xe nhà nước thì lái phụ lái chính gần như nhau, còn xe trong này thì khác, ông tài xế ngồi lái và chửi mấy ông phụ như… hát hay. Mấy ông phụ đứng một chân ở cửa xe, tay lăm lăm cục gỗ chèn bánh, liên mồm liên miệng hò hét và tai thì… đầy tiếng chửi. Và xe cứ thế vun vút lao trên đường…

Ngồi cà phê với Minh vụt ra bao chuyện, trong đó có cái ước nguyện của tôi là rất muốn về quê Thế Chí Tây để sống, một ngôi nhà nhỏ, không khí trong lành, cảnh vật hiền hòa, đời trôi thanh thản…

Thực ra thì Minh biết về tôi nhiều hơn tôi biết Minh, nhưng cái động thái mời cà phê người làng giữa TP Hồ Chí Minh khiến tôi xúc động. Ai bảo ở trong này chỉ biết cắm đầu kiếm tiền. Vẫn còn chỗ cho quê hương, cho những ký ức, những gì thanh sạch tuổi thơ… Tôi đọc được điều ấy khi chia tay Minh và nói cám ơn Minh thì nó nói em cám ơn anh mới đúng, anh đã làm em được gần quê hơn. Chạy gần bốn mươi cây số, lúc đi tắc đường, lúc về thì nắng vỡ trốôc, mời nhau ly cà phê chỉ vì là người làng thế mà lại còn lấy làm sung sướng được gặp nhau nữa…

Thì cứ vậy đi, nghĩ cho cùng, quê chính là cái để níu ta lại ở phần lương thiện và trong sáng nhất, dù như có ông hôm qua nói với tôi: “Ông nói thế thôi, về quê cũng mệt lắm, cứ suốt ngày xách dù đi ăn giỗ cũng “đọa” rồi”.

Nhưng không có giỗ mà ăn  cũng “đọa” luôn…

Không có ký ức quê lại càng “đọa” nữa...

Văn Công Hùng