Công chúng không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp quý phái, gần gũi và không kém phần thời trang của những nhiếc áo dài Huế xưa, cách đây chừng độ một thế hệ. Và cái làm nên sự đẹp của những chiếc áo, không gì khác, chính là kỹ thuật thêu tay truyền thống. Trên lụa là, gấm vóc ấy  là  những hoa văn cách điệu của sóng nước, mây trời, hoa, lá, rồng, phụng...Mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi sắc, tạo sự tinh tế cho mỗi trang phục mà nói như ngôn ngữ hiện đại ngày nay là không “đụng hàng”.

Nhưng điều mà những người yêu truyền thống cứ băn khoăn là sao không thể tái hiện cái cốt cách của những chiếc áo xưa bằng kỹ thuật thêu tay truyền thống, thành những sản phẩm cao cấp riêng có, không “đụng hàng”.

Đem chuyện hỏi nghệ nhân thêu tay truyền thống Lê Văn Kinh, cụ trả lời bằng đường đi của chiếc áo kimono của người Nhật. Cụ bảo, từ những năm 1990, khi chúng ta còn loay hoay với cái ăn thì người Nhật đã biết tìm đến đặt hàng thêu tay áo kimono bởi họ biết giá trị của ngành thêu tay truyền thống Việt. Cho đến nay, các công ty Nhật vẫn ăn nên làm ra với mặt hàng áo kimono thêu tay mà giá của nó có khi lên đến hàng ngàn đô la Mỹ cho mỗi chiếc.

Cũng như kimono, áo dài là trang phục truyền thống độc đáo của phụ nữ Việt. Kỹ thuật thêu tay trên áo dài cũng đã có từ lâu. Ấy vậy mà, việc làm sao để chiếc áo dài trở thành một sản phẩm thương hiệu như kimono nhờ kỹ thuật thêu tay thì vẫn là chuyện mơ mộng dù cách đây gần chục năm, nhà thiết kế Minh Hạnh từng đưa bộ sưu tập áo dài, được thiết kế trên các tấm vải thêu tay truyền thống lâu đời của Huế lên sàn diễn quốc tế.

Có lẽ, các nhà đầu tư  đang quên mất một tiềm năng lớn từ thời trang thêu tay Việt dù biết rằng, việc kế thừa truyền thống, đặc biệt kỹ thuật thêu tay, lên lĩnh vực thời trang vốn nhạy bén với sự cách tân, là điều không dễ.

TIỂU MUỘI