Niêm yết giá là đã có thuế trong hóa đơn, song rất ít nhà hàng, khách sạn tư nhân, nhà nghỉ…, xuất hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) cho khách hàng cá nhân, khiến ngân sách mất nguồn thu.

Tìm hiểu các thông tin về kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp

Từ hóa đơn không thuế

Rất nhiều, nếu không muốn nói là hầu như các nhà hàng, khách sạn tư nhân, nhà nghỉ… (NH KSTN NN) trên địa bàn, kể cả với những quán ăn bình dân cho đến sang trọng, dù có niêm yết giá nhưng hầu như chưa có doanh nghiệp (DN), cá nhân kinh doanh nào khi tính tiền giải thích với khách hàng là giá sản phẩm, dịch vụ đã bao gồm thuế VAT. Thế nên, khi sử dụng dịch vụ, khách hàng chỉ được cung cấp hóa đơn thường hay còn gọi là hóa đơn không thuế.

Điều đó, gây thất thu một khoản không hề nhỏ cho ngân sách, khi trên địa bàn, lượng NH KSTN NN, quán ăn… lên đến con số hàng ngàn. Chỉ lấy bình quân một nhà hàng, mỗi ngày bán được khoảng 10 bàn, với 10 hóa đơn không thuế, doanh số khoảng 10 triệu đồng, ngân sách đã thất thu 1 triệu đồng. Nếu chỉ tính nhẩm, lấy mức bình quân thấp nhất, hẳn nhiều người phải giật mình với con số thất thu ngân sách.

Gần như các nhà hàng, quán nhậu không công khai minh bạch trong việc cung cấp hóa đơn có thuế cho khách hàng

Hầu hết người kinh doanh và khá nhiều khách hàng đều nắm rõ điều đó, song rất ít người có trách nhiệm với nguồn thu này. Nếu không có nhu cầu thực sự, hầu như không khách hàng nào yêu cầu các DN, cá nhân kinh doanh dịch vụ cung cấp, xuất hóa đơn. Chỉ khi cần thanh toán với cơ quan hoặc các DN cần hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa các khoản chi mới yêu cầu xuất hóa đơn.

Phía DN, cá nhân cung cấp dịch vụ rõ ràng được lợi, khi theo quy định, phải cung cấp hóa đơn cho khách hàng, đồng nghĩa với thực hiện nghĩa vụ nộp thuế VAT cho cơ quan Nhà nước. Nếu khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn, khoản tiền thuế đó họ được lợi.

Đến được cung cấp VAT

Tôi còn nhớ như in câu chuyện của một đồng nghiệp, khi cùng anh em trong lớp học đến quán C ở đường Lê Ngô Cát, TP. Huế liên hoan gặp mặt cuối năm cách đây không lâu. Khi ăn uống xong đến tính tiền, chị này khá cẩn trọng hỏi giá đã bao gồm VAT chưa? Chủ quán trả lời có. Nhưng khi yêu cầu xuất hóa đơn, chủ quán đòi cung cấp đầy đủ mã số thuế, tên cơ quan… Giải thích chỉ là họp lớp, không có tên cơ quan, mã số thuế… chủ quán liền đổi ý cho rằng, không đủ điều kiện để xuất hóa đơn. Trong khi, quy định chỉ cần có sử dụng dịch vụ, người cung cấp có trách nhiệm phải xuất hóa đơn cho khách hàng. Sau khi nhờ người nhà là chủ một DN nhỏ cung cấp mã số thuế, chủ quán mới chịu xuất hóa đơn, song thái độ không dễ chịu chút nào.

Hay trường hợp khác, có khách hàng sử dụng dịch vụ tại một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn. Thế nhưng, khi yêu cầu xuất hóa đơn, nhân viên báo ông bà chủ đi vắng và ghi nợ hóa đơn. Nhiều lần đến quán yêu cầu cung cấp hóa đơn, nhưng hết lần này đến lần khác, đều nhận được câu trả lời hết hóa đơn, chưa kịp mua…

Những hóa đơn không thuế luôn được các nhà hàng, quán nhậu sử dụng để trốn thuế

Đó là một trong hàng ngàn cách lách thuế của các cơ sở kinh doanh NH KSTN NN, quán nhậu, trên địa bàn nhằm trốn thuế để trục lợi. Các cơ quan quản lý dù nắm khá rõ vấn đề này, song vẫn chưa có cách khắc phục, xử lý triệt để do các quy định còn nhiều kẽ hở.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Huế Trần Phước Ngọc, cho rằng, đây là thực trạng chung không riêng ở Huế mà cả nước. Cái khó không chỉ ở con người, mà do quy định của pháp luật. Cơ quan thuế đã thực hiện nhiều giải pháp, như thanh, kiểm tra để truy thu, xử phạt bổ sung nguồn thu hàng năm, nhưng khó xử lý triệt để.

Cũng theo ông Ngọc, ngoài các khách sạn có sao, khách sạn có vốn tập thể, có đóng thuế theo báo cáo bán hàng hàng tháng và qua công tác đăng ký lưu trú để đóng thuế VAT cho cơ quan Nhà nước, các cơ sở kinh doanh NH KSTN NN đều đóng thuế theo mô hình hộ kinh doanh cá thể, tức theo báo cáo bán hàng hàng tháng. Song, con số này khó chính xác với hoạt động thực tế, khi có DN doanh thu cả trăm triệu đồng nhưng chỉ kê khai vài chục triệu đồng.

Trên địa bàn TP. Huế, có 593 cơ sở lưu trú, bao gồm cả khách sạn tập thể, khách sạn tư nhân, nhà nghỉ, trong đó có 156 khách sạn được xếp loại. Riêng lĩnh vực nhà hàng, quán ăn, quán nhậu thống kê sơ bộ cũng tương đương con số trên, thậm chí còn hơn. Song, lĩnh vực thu thuế lũy kế đến cuối tháng 6/2016, đối với khối kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn TP. Huế chỉ hơn 106/250 tỷ đồng, trong đó, thuế giá trị gia tăng hơn 76 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp hơn 17 tỷ đồng. Do lĩnh vực kinh doanh du lịch, dịch vụ, ăn uống… chưa được tách riêng nên ngành thuế gộp vào khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

Kỳ 2: Nan giải