Công an đang đấu tranh với những tên trộm có tuổi đời còn rất nhỏ. Việc lập hồ sơ đưa các đối tượng này vào trường giáo dưỡng đang gặp khó trong khi để các đối tượng này ngoài xã hội rất nguy hiểm

2 năm mới được… 2 người

Khi liên hệ với Công an TP. Huế tìm hiểu về quy trình lập hồ sơ, thủ tục để đưa đối tượng vào TGD bắt buộc, một cán bộ Đội Cảnh sát Phòng chống tội phạm về trật tự xã hội nói, gần 2 năm chúng tôi mới đề nghị đưa được 2 người vào TGD (TGD số 3, Bộ Công an, tại TP. Đà Nẵng) nên không khó lắm để tìm lại hồ sơ. Nói rồi cán bộ thoăn thoắt mở máy in cho chúng tôi các đề nghị áp dụng biện pháp đưa người vào TGD. Đó là trường hợp em Trần Văn Th. (16 tuổi, trú khu tái định cư Phú Hiệp, TP. Huế), được đưa vào TGD tháng 2/2016. Lý do lập hồ sơ đề nghị là do Th. nhiều lần vi phạm pháp luật (trộm cắp tài sản) đã đưa vào giáo dục tại phường nhưng không tiến bộ, vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật, cần đưa vào TGD để giáo dục, quản lý. Hồ sơ này cũng trích xuất cụ thể 6 vụ trộm xảy ra liên tiếp của Th. với thời hạn đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào TGD 24 tháng.

Trước đó, ngày 8/1/2015, Công an TP.. Huế đã lập hồ sơ đưa vào TGD đối với Trần Văn Kh. (16 tuổi, trú đường Duy Tân, phường An Cựu, TP.. Huế). Kh. cũng là đối tượng cần đưa vào TGD để giáo dục, quản lý vì nhiều lần vi phạm và đã đưa vào giáo dục tại phường nhưng không tiến bộ, vẫn tiếp tục vi phạm pháp luật… Thượng tá Võ Văn Sáu, Phó Trưởng Công an TP.. Huế chia sẻ, trước năm 2014- khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực, mỗi năm toàn TP.. Huế tiến hành lập 15- 20 hồ sơ đưa vào TGD. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng toàn thành phố mới lập được 2 hồ sơ, đưa 2 đối tượng vào TGD do nhiều vướng mắc. Điều đáng nói, đây cũng là con số của toàn tỉnh sau 2 năm thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghĩa là ngoài TP.. Huế, các địa phương còn lại không lập được hồ sơ nào đưa người vi phạm vào TGD, CSGD. 

Nhiều rào cản

Thượng tá Võ Xuân Thiện, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP.. Huế cho biết, theo quy định, đối tượng trong 6 tháng đã bị xử phạt vi phạm hành chính đến lần thứ 2, tiếp tục có hành vi vi phạm hành chính lần thứ 3 trở đi mới lập biên bản vi phạm và hồ sơ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Thời gian quy định về số lần người vi phạm trong 6 tháng là quá nhiều, bởi trước đây chỉ cần vi phạm nhỏ 2 lần là có thể lập hồ sơ đưa vào giáo dục, tạo tiền đề để lập hồ sơ đưa vào TGD và CSGD bắt buộc. Đối với việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp đưa vào TGD, CSGD bắt buộc, trước đây do hội đồng tư vấn cấp huyện họp xét, trình chủ tịch UBND cấp huyện quyết định. Nhưng hiện nay, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp này phải được trưởng phòng tư pháp cấp huyện kiểm tra tính pháp lý. Sau đó, hồ sơ sẽ chuyển cho trưởng công an cấp huyện xem xét, quyết định việc đề nghị Tòa án Nhân dân cùng cấp áp dụng biện pháp là quá rườm rà.

Đại tá Nguyễn Hàn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội công an tỉnh nói, nguyên nhân được xác định là do một số quy định giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính với các văn bản quy định chi tiết còn chồng chéo, chưa có sự thống nhất dẫn đến việc hiểu và thực hiện khác nhau ở một địa phương. Quy định về thời hạn biện pháp áp dụng tại xã, phường, thị trấn từ 3- 6 tháng như hiện nay là quá ngắn (trước đây từ 6 tháng đến 2 năm), không đảm bảo áp dụng các biện pháp giáo dục, dẫn đến công tác này kém hiệu quả, đối tượng chủ yếu là đối phó với cơ quan chức năng.    

Đơn giản và đồng bộ hơn

Đại tá Đặng Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh khẳng định, trước hết công an cấp huyện phải chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng cơ chế, quy định cho các đơn vị liên quan việc lập hồ sơ đưa người vào TGD và CSGD bắt buộc. Công an cấp huyện cần kiểm tra tất cả các vụ án đã xử lý hành chính, kể cả các vụ án đang điều tra, nếu xử lý được thì xử lý, hoặc liên quan đến địa phương nào phải chuyển cho địa phương đó để có hồ sơ một cách hệ thống. Đồng thời, tập trung rà soát số đối tượng có tiền án, tiền sự để thông báo cho địa phương và đăng ký ở cơ quan quản lý hồ sơ. Công an tỉnh sẽ chỉ đạo công an các xã, phường phối hợp và liên hệ khai thác thông tin xử lý vi phạm hành chính từ các địa phương, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh để có cơ sở lập hồ sơ”- đại tá Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Nhằm triển khai thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan, sớm đưa pháp luật vào cuộc sống, các ngành chức năng của tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn đối với những vấn đề còn vướng mắc, bất cập, nhất là về trình tự, hồ sơ thủ tục áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào TGD, CSGD bắt buộc... để đảm bảo công tác xử lý, giáo dục đối tượng vi phạm kịp thời, nghiêm minh, góp phần đấu tranh, phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả.

THÁI BÌNH