Thực ra, điều làm tôi ngạc nhiên là bác công nhân của gia trại nhà mình có một cơ ngơi cũng khá tươm tất và đàng hoàng. Con gái hay con trai đều được vợ chồng bác cắt cho mảnh đất trong khuôn viên vốn khá rộng để làm nhà. Thu nhập từ nghề làm hàng mã dù không nhiều nhưng cũng tạm đủ đắp đổi qua ngày. Vậy là cũng mừng hơn nhiều người rồi.

Câu chuyện loanh quanh thế nào lại qua qua chuyện cưới xin, kỵ giỗ. Có lẽ là vì bác trai cũng có ý phân trần về việc mình nghỉ đi giỗ chạp, cưới xin nhiều với giọng khá áy náy. Té ra, chuyện đi ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp ở quê vẫn còn nhiêu khê hơn tôi từng nghĩ, chí ít thì người thành phố còn có thể có lý do này, lý do kia để khước từ vài ba cuộc, hoặc không đi được thì gửi quà mừng, nhưng người ở làng, ở xóm như vậy là không ổn, nói theo kiểu bác trai trò chuyện là làm rứa không ngó mặt nhau được. Mà mỗi năm, không biết có bao nhiêu đám nữa, và cũng cứ phải thu xếp để đi. Bác trai tính, trong năm qua, riêng cho chuyện này, bác đã chi hết 18 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay thì chưa “hạch toán” cụ thể nhưng loạn lắm...! Anh hàng xóm kế bên cũng bảo, nhà tui hết 22 triệu đồng. Nhiều khi đang lu bu ba chuyện làm chuồng heo, chuồng gà, làm vườn nhưng cũng phải gác lại để đi. Nói thiệt là nhìn thiệp mời mà rầu!

Tôi hỏi, sao bác và anh không để bác gái và vợ đi giúp? “ Đàn bà đi có khi còn tốn kém hơn – bác trai nói – Là vì mấy bà mấy cô đi thì cũng lo đầu tóc, cái mặt tươm tươm chút không người ta chê cười, rồi còn quần, còn áo, mệt lắm! Mấy mụ vì rứa mà tiếc nên đẩy cho các ông chồng đi hết. Chỉ khi mô không thể mới phải thay chồng đến đám cưới. Nhiều khi nghĩ chuyện ni thôi mà đau hết cả đầu. Nhưng biết làm răng chừ?”

Anh bạn tôi tính, nếu chỉ 18 triệu/năm cho khoản ni thì cũng ngốn hết gần nửa năm lương của ông rồi. Hèn chi mà cứ lận đận hoài...

Mà xem ra, bà con nông thôn mình lận đận và nhọc nhằn chuyện cưới xin nhiều lắm, chưa biết khi mô mới vơi?

Nguyễn An Lê