Hành vi cồn đồ
Câu chuyện “tréo ngoe” đáng tiếc bắt đầu như sau: Dũng (trú tại phường Phước Vĩnh, TP Huế) kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Hôm đó, đang ngồi uống cà phê cùng Quang, Huy và Chiến, nhớ lại Việt (trú tại phường Phú Nhuận, TP. Huế) chưa thanh toán tiền cầm xe mô tô, Dũng “bóc” điện thoại gọi Việt để nhắc và đòi nợ. Hai bên cãi nhau, do đó Dũng và Việt hẹn nhau đến trước nhà Việt nói chuyện. Do hai chân bị khuyết tật nặng nên anh Dũng nhờ Huy chở đi. Vinh, Chiến đi cùng. Quá trình đưa Dũng đến điểm hẹn trước nhà Việt, “cả hội” gặp Duy là bạn quen nên rủ đi luôn.
Sau khi gặp nhau, Dũng và Việt thống nhất một tuần sau Việt sẽ trả tiền cầm xe. Lúc Việt vừa quay lưng đi vào nhà, Chiến nói “nợ tiền lo mà trả”. Việt: “Tau nợ thằng Dũng thì tau trả, mấy đứa bây không liên quan”. Duy đang đứng cạnh Chiến cũng nói xen vào: “Nợ lo mà trả”. Nghe thế, Việt tức khí dùng tay đánh vào đầu Duy mấy cái (nhưng không gây thương tích) đồng thời bảo: “Mấy đứa bây không đủ tuổi để chơi tau”. Thấy vậy, Dũng và Huy bảo Việt đi vào nhà. Việt đi được một đoạn thì quay lại thách thức với Chiến và Duy. Vinh liền mở cốp xe của mình lấy 1 con dao đến chém Việt.
Chiến thấy trong cốp xe của Vinh còn 1 con dao, bèn lấy ra xông vào cùng Vinh chém Việt gây thương tích (ở hai bàn tay của Việt). Việt giật dao, vật lộn với Chiến. Nhân lúc này, Vinh chém 1 nhát vào lưng Việt (nhưng không gây thương tích). Chiến vùng dậy, giật lại dao (từ Việt) chém 1 nhát vào chân Việt. Qua giám định, Việt bị tổn hại sức khỏe 18%. Tòa hỏi: “Các bị cáo đi theo Dũng làm gì”? Cả hai đều đáp “đi theo cho vui”. Tòa: “Lúc đó đi theo cho vui, bây giờ đứng đây buồn quá phải không”? Vinh, Chiến cúi đầu ngậm ngùi. Người thân của các bị cáo mặt mày ủ ê, thở dài thườn thượt. Khi hành xử “trời ơi”, có lẽ con em họ không nghĩ hậu quả nặng nề đến mức phải vướng vào tù tội.
Biết sợ thì đã muộn
Bị quy kết dùng hung khí vô cớ chém người là hành vi côn đồ; hung khí đó cũng đã được “thủ sẵn” từ trước, các bị cáo phân bua do không kiềm chế được bực tức khi Duy bị Việt đánh mới dẫn đến sự việc đáng tiếc như vậy. Bị cáo Vinh cho rằng, mình làm nghề cây cảnh, 2 cây dao cất trong cốp xe là dụng cụ để bứng cây và sử dụng trong một số thao tác khác (chứ không phải “thủ sẵn” để đi đánh nhau). Do đó, các cây dao đều bản to, mũi bằng. Tuy nhiên, sau khi gây án, những cây dao (vật chứng) đã bị vứt xuống sông, không tìm được. Tòa hỏi vì sao các bị cáo vứt dao xuống sông, sao không nộp cho cơ quan điều tra để chứng minh “nguồn gốc” là dụng cụ làm nghề như vừa khai tại tòa? Các bị cáo đều đáp: do sợ. Một vị hội thẩm nghiêm khắc: “Lúc biết sợ thì đã muộn, đúng không”? Cả hai lại im lặng.
Dũng cũng ngồi buồn bã. Món tiền Việt cầm xe còn nợ chưa lấy lại được, Dũng đã phải “móc hầu bao” 10 triệu đồng thay Vinh, Chiến bồi thường tiền thuốc men cho Việt. Tòa hỏi Dũng có yêu cầu các bị cáo hoàn lại số tiền trên? Dũng trả lời “không yêu cầu”. Thanh niên này “trần tình”, vì do chuyện của mình mà Vinh, Chiến “rước họa”, bây giờ phải đi tù. Vả lại cả hai bị cáo (trong đó, một bị cáo có hai con còn rất nhỏ), hoàn cảnh gia đình đều nghèo, lấy đâu ra tiền mà bồi thường. Vinh, Chiến chưa có tiền án, tiền sự, phạm tội lần đầu. Tại tòa, Việt (người bị hại) xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho cả hai bị cáo. Tuy nhiên, xét tính chất mức độ hành vi phạm tội, tòa tuyên phạt mỗi bị cáo 1 năm 9 tháng tù. Nghe tòa tuyên án xong, mặt Vinh, Chiến méo xẹo. Người thân các bị cáo càng “méo” hơn.
Quỳnh Anh