Hàng trăm đại biểu tham dự lễ bế mạc Hội nghị quốc tế về phòng chống HIV/AIDS lần thứ 21 tại Durban, Nam Phi hôm 22/7. Ảnh: AFP |
"Công việc này chỉ đơn giản là vẫn chưa hoàn tất", Chủ tịch mới của Hiệp hội Quốc tế về AIDS (IAS), bà Linda-Gail Bekker nói với hàng ngàn đại biểu tại lễ bế mạc hội nghị.
"Trong 5 ngày của hội nghị lần này, 15.000 người sống chung với HIV đã tử vong và hơn 28.000 người nhiễm mới HIV, trong đó có 1.500 người là người trẻ chỉ riêng ở đất nước này. Điều đó khiến tôi tức giận và hoảng sợ. Theo tôi, chưa thể có chỗ cho sự tự mãn", bà Bekker nhấn mạnh.
Khoảng 15.000 nhà khoa học, các nhà vận động và nhà tài trợ tập trung tại thành phố cảng Durban của Nam Phi để thảo luận về những tiến bộ mới nhất trong việc giải quyết căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 30 triệu người trong vòng 35 năm qua.
Tuy nhiên, trong khi số lượng các ca nhiễm mới có dấu hiệu chững lại, kinh phí tài trợ lại giảm xuống.
Một nghiên cứu được Chương trình Phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) và Quỹ Kaiser Family Foundation trình bày tại hội nghị tuần này cho thấy, ngân sách chính phủ tài trợ giảm đến hơn 1 tỷ USD, từ 8,6 tỷ USD trong năm 2014 xuống còn 7,5 tỷ USD hồi năm ngoái.
"Chúng ta đang ở một thời điểm đặc biệt quan trọng đối với tương lai của kinh phí tài trợ", bà Bekker, người phụ nữ châu Phi đầu tiên lãnh đạo IAS nói thêm.
Lời cảnh báo được đưa ra chỉ hơn 2 tháng trước khi Hội nghị Tài chính Quốc tế của Quỹ Tài trợ Toàn cầu (Global Fund) được tổ chức ở Canada. Quỹ được thành lập vào năm 2002 để quyên tiền cho cuộc chiến chống AIDS, sốt rét và bệnh lao. Global Fund đang yêu cầu ít nhất 13 tỷ USD từ nguồn tài trợ của các chính phủ.
Một nghiên cứu do Global Fund công bố trong tuần này cảnh báo rằng, sẽ có 21 triệu người chết do AIDS và 28 triệu người nhiễm HIV mới trong 6 năm tới nếu Quỹ không nhận được 13 tỷ USD ngân sách tài trợ.
Hiện có khoảng 36,7 triệu người trên thế giới đang sống chung với HIV/AIDS, chủ yếu là ở khu vực châu Phi cận Sahara. Trong số này, chỉ có 17 triệu người được điều trị.
"Chúng ta cần kinh phí đầy đủ, bởi 30 triệu người cần được điều trị", Phó Giám đốc điều hành chương trình UNAIDS, Mahesh Mahalingam nói với tờ AFP.
Trước đó, Liên Hiệp Quốc đã đặt mục tiêu năm 2030 là thời hạn cuối cùng để chấm dứt đại dịch AIDS.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & Business Standard)