Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu trong đó kiến nghị với Quốc hội quan tâm thực hiện một số định hướng lớn cho hoạt động của nhiệm kỳ 2016-2021, thực hiện tốt nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương
Trả lời VOV.VN, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội khoá XIII cho rằng, những vấn đề mà Tổng Bí thư đặt ra là chủ trương rất đúng đắn, sát thực tế.
PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kiến nghị Quốc hội đề cao hơn nữa trách nhiệm và nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, nhất là những vấn đề về KT-XH, ngân sách nhà nước; về các dự án đầu tư quan trọng, nhạy cảm, tác động lớn. Vấn đề này cần được đặt ra như thế nào đối với Quốc hội khoá XIV thưa ông?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Đó là chủ trương hết sức đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động Quốc hội. Vì cái gì Quốc hội thông qua mà không mang lại hiệu quả, cái Quốc hội quyết định mà không thực sự đi vào thực chất thì chẳng có giá trị.
Rất lấy làm tiếc khi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội thông qua rồi đến lúc lại điều chỉnh, bổ sung mà không được thực hiện một cách nghiêm túc. Dù có yếu tố khách quan như thiên tai địch hoạ ảnh hưởng đến việc thực hiện cần được xem xét nhưng không có nghĩa mọi chỉ tiêu cái gì cũng điều chỉnh. Vì như thế quyết định của Quốc hội trở nên vô nghĩa.
Tôi nghĩ rằng kiến nghị của Tổng Bí thư rất xác đáng, ở chỗ đại biểu Quốc hội, với trách nhiệm của mình là tìm hiểu để quyết định thông qua chỉ tiêu; khi thông qua rồi thì cần giám sát để việc thực hiện nghiêm túc.
PV: Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh việc xác định rõ trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra các dự án, công trình, đề án. Thực tế vừa qua có rất nhiều công trình, dự án dùng ngân sách hàng nghìn tỷ phải “đắp chiếu”?
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: Kiến nghị rất sát thực tiễn, vì có những dự án, chương rình lớn khi Quốc hội thông qua nhưng trong thực hiện không được nghiêm túc do nhiều lý do, dẫn đến tình trạng trì trệ, lãng phí và không thực hiện được mục đích ban đầu đặt ra.
Cách đặt vấn đề của Tổng Bí thư là rõ ràng. Các đại biểu Quốc hội cần nâng cao trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề vẫn là trách nhiệm của cơ quan thẩm tra. Vì nói quyết định cuối cùng là sản phẩm của Quốc hội, nhưng không phải đại biểu nào cũng có cơ hội tham gia vào tất cả hoạt động đó. Quyết đáp của Quốc hội dựa vào kết quả thẩm tra Điều đó hết sức quan trọng, nên khi cơ quan thẩm tra làm nghiêm túc, có trách nhiệm thì chất lượng nâng lên cao rất nhiều.
Đại biểu nào có kinh nghiệm, kiến thức, điều kiện tham gia được thì tốt nhưng chủ yếu vẫn là cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm tra.
PV: Quốc hội tổng kết cũng khẳng định việc thực hiện hậu giám sát là chưa nghiêm. Đầu nhiệm kỳ này, Tổng Bí thư cũng kiến nghị nâng cao chất lượng hoạt động này. Vậy theo ông, cần giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đại biểu Bùi Sỹ Cương: Giám sát cũng giống như hoạt động kiểm tra và thanh tra của bộ máy Nhà nước. Nếu hoạt động hậu giám sát không được tăng cường, kết luận giám sát không được thực hiện thì giám sát không giá trị gì. Xét cho cùng, việc giám sát đã có kết luận, Quốc hội ban hành Nghị quyết thì phải thực hiện nghiêm túc.
PV: Giám sát của Quốc hội là giám sát tối cao, vậy tại sao chúng ta cứ phải nhiều lần nói rằng thực hiện không nghiêm?
Đại biểu Bùi Sỹ Cương: Tôi nghĩ đó là điều rất đáng tiếc. Sản phẩm của hoạt động giám sát là kết luận giám sát. Tuy nhiên, kết luận lại mang tính chất khuyến nghị, các cơ quan bị giám sát phải có trách nhiệm thực hiện nhưng nó không mang tính chất bắt buộc nên bấy lâu nay không đạt mục đích đặt ra là kết luận phải được thực hiện triệt để.
Tôi nghĩ trong thời gian tới phải tăng cường hoạt động này. Có giám sát, có nghị quyết thì cần kiểm tra trong quá trình thực hiện Nghị quyết Quốc hội để tránh tình trạng nghị quyết ban hành mà không được thực hiện nghiêm túc.
Theo VOV