Nơi đây diễn ra nhiều trận đánh ác liệt. Kẻ thù liên tục đỗ quân bao vây, càn quét... Ngày 12/7/1968, địch tổ chức một trận tập kích lớn vào khe Đá Bàn. Anh dũng chiến đấu chống quân địch đông đảo, 14 chiến sĩ của ta đã hy sinh, trong đó có nhiều đồng chí nay vẫn chưa tìm được hài cốt; đặc biệt có đồng chí Hằng bị thương và lạc trong các hẻm đá 21 ngày đêm.

Vùng Rẫm - Lộc Bình trở thành địa chỉ đỏ, chiến trường xưa. Sau nhiều nỗ lực, vừa qua xã Lộc Bình tổ chức khánh thành bia chứng tích, ghi nhận công lao của cán bộ, chiến sĩ từng chiến đấu ở Rẫm năm xưa, đặc biệt là những đồng chí hy sinh ở khe Đá Bàn.Ven sườn đồi trên đường 49B, từ Tư Hiền lên đèo Phước Tượng, bia chứng tích nhìn ra đầm Cầu Hai là điểm nhấn khó quên về vùng núi đồi ven phá Lộc Bình. Nhớ câu thơ mộc mạc của ai đó viết về những ngày đêm vượt khó của đồng chí Hằng: “Ba tuần nằm trong hang đá/ Rửa vết thương bằng nước phá qua ngày/ Đói lòng ăn tạm lá cây/ Sim, me, móc, ổi đợi ngày gặp nhau”. Một hình tượng đẹp, gợi bao điều suy nghĩ.

Hơn 40 năm qua đã có nhiều bia tưởng niệm, bia chứng tích gắn liền với những chiến công cách mạng, được xây dựng trên mảnh đất Thừa Thiên Huế. Cách không xa Lộc Bình, ngay trên Quốc lộ 1A có bia chiến thắng Ngã ba Ràng Bò ghi dấu chiến công các chiến sĩ Quân đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Thừa Thiên Huế 1975. Ở  Phú Vang có bia chiến thắng Thanh Lam Bồ, thị xã Hương Thủy có bia chiến thắng Võ Xá, chiến khu Dương Hòa và huyện Phong Điền có bia chiến thắng đồn Đất Đỏ, những địa danh ghi dấu chiến thắng của quân dân ta trong kháng chiến chống Pháp. Ra huyện Quảng Điền, có bia tưởng niệm các chiến sĩ chiến sĩ K8 thuộc sư đoàn 324 B trong trận đánh ác liệt diễn ra ở xã Quảng Thọ vào mùa xuân 1968. Ngay tại Huế có bia tưởng niệm 11 cô gái sông Hương ở Xuân Phú, bia chiến tích của trung đoàn Phú Xuân ở sân bay Tây Lộc, tri ân các chiến sĩ trung đoàn đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Hay xa hơn, nơi vùng núi A Lưới với bia di tích đường Hồ Chí Minh, bia tưởng niệm chiến thắng đồi A Bia…

Tôi đã có dịp ghé thăm những địa danh vừa kể. Không thật bề thế, có những trường hợp bị che khuất bởi cảnh vật xung quanh. Thế nhưng, mỗi bia tưởng niệm là một khám phá, là một câu chuyện kể hào hùng về quá khứ vừa đi qua. Lịch sử đôi khi chỉ vài dòng ngắn ngủi cũng đã là một thông điệp cuộc sống quan trọng. Nó cũng là tấm lòng của những người đang sống tri ân các anh hùng liệt sĩ đã vì nước quên thân. Nhớ tâm sự của ông Lê Túy, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Bình, nhiều năm qua các đồng chí từng chiến đấu ở vùng Rẫm thường ghé thăm chiến trường xưa. Họ ôn lại kỷ niệm về từng chiến dịch, từng trận đánh và cả từng con người, trong đó còn không ít những người đang nằm trên những cánh rừng, lòng sông, bờ suối mà nay chúng ta vẫn đang mãi đi tìm. Quyết định xây dựng đài chứng tích ở Lộc Bình xuất phát từ đó. Còn tôi hiểu, đó là tấm lòng của những người đang sống dành cho những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Đan Duy