Ông Nguyễn Nhân, thôn Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Lợi) chia sẻ: Nhiều năm qua, nghề lưới, nò sáo trên phá Tam Giang “thất bát” , từ cá to đến cá nhỏ đều bị dã cào, kích điện đánh bắt không bỏ sót. Nuôi trồng thủy sản cũng chung số phận vì “ngư tặc” lợi dụng đêm tối và khi vắng người vào đánh bắt, khiến hiệu quả nuôi trồng không cao. Đó cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương ven phá.

 Đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang

Để ngăn chặn tình trạng khai thác hủy diệt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS), huyện Quảng Điền chủ trương xây dựng mô hình bảo vệ NLTS dựa vào cộng đồng. Cụ thể, tiến hành giao quyền khai thác và quản lý mặt nước cho các chi hội nghề cá, thành lập khu bảo vệ NLTS, nhân rộng các mô hình trộ chuôm…

Toàn huyện Quảng Điền có 4 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản gồm: khu Vũng Mệ (Quảng Lợi), khu Cồn Máy Bay (xã Quảng Ngạn); khu Doi Trộ Kèn (thị trấn Sịa); khu An Xuân (xã Quảng An). Ngoài xây dựng các khu bảo vệ thủy sản, Quảng Điền còn tiến hành giao quyền quản lý mặt nước cho 17 chi hội nghề cá ven phá.

Thành lập vào năm 2011, khu bảo vệ thủy sản Vũng Mệ, xã Quảng Lợi có diện tích 40 ha do chi hội nghề cá Hà Công quản lý. Ông Hồ Trúc, Chi hội trưởng Nghề cá Hà Công cho hay: Với việc thành lập chi hội nghề cá, các hội viên vừa tham gia khai thác vừa tiến hành bảo vệ, tái tạo NLTS. Nhờ vậy, đã phát huy vai trò tiên phong trong bảo vệ NLTS, góp phần tăng thu nhập cho mỗi thành viên. Ngoài việc tuần tra hàng tuần, tháng, chi hội còn phối hợp với các chi hội nghề cá Thủy An (Quảng Ngạn), thôn 8 (Điền Hải), Ngư Mỹ Thạnh, Hà Lạc (Quảng Lợi) xây dựng các mô hình tái tạo nguồn lợi, tuần tra xử lý các đối tượng khai thác hủy diệt, thả lừ trong khu vực bãi đẻ…

Theo bà Trần Thị Thanh Nhã, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền: Việc xây dựng các khu bảo vệ thủy sản không chỉ giúp ngư dân có thêm thu nhập từ hoạt động khai thác mà còn nâng cao ý thức bảo tồn đa dạng sinh học. Các chi hội nghề cá, cụ thể ngư dân sẽ là người trực tiếp tham gia bảo vệ, tạo điều kiện cho các sinh vật thủy sinh, NLTS phát triển; tuần tra, bắt giữ các đối tượng khai thác theo phương thức hủy diệt trên vùng đầm phá.

Điểm nổi bật khi xây dựng mô hình bảo vệ NLTS trên vùng phá Tam Giang của huyện Quảng Điền là đã huy động được sức dân, xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển NLTS. Tuy nhiên, để các chi hội nghề cá hoạt động hiệu quả hơn, việc đầu tư mua sắm phương tiện, kinh phí vận hành cũng rất cần thiết vì thực tế phương tiện tuần tra của các chi hội nghề cá vẫn rất thiếu, yếu. Toàn huyện có 17 chi hội nghề cá nhưng chỉ có 2 chi hội được trang cấp 2 thuyền máy, các chi hội còn lại vẫn sử dụng thuyền đánh bắt phục vụ tuần tra, khó khăn trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác theo phương thức hủy diệt.

Bài, ảnh: Hoàng Loan