Trong mối tương quan này, các khoản phí, bảo hiểm, chi phí vận chuyển... mà doanh nghiệp và người lao động phải trả cũng tăng theo đã ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và số đông người lao động. Đây là những vấn đề đã được ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) đề cập đến trong một cuộc họp mới đây về “Đánh giá tình hình ngành dệt may 6 tháng đầu năm; những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và các giải pháp tháo gỡ” tại Hà Nội.

Cũng theo đại diện của Vitas, mặc dù có thể khắc phục được một phần tình trạng thiếu các đơn hàng mới trong thời gian ngắn, nhưng các doanh nghiệp dệt may sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều lần trong tháng tới. Điều đáng quan ngại là ở chỗ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguy cơ phải đóng cửa do mất khả năng cạnh tranh và điều kiện sản xuất khó khăn. Do sức tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới giảm, lượng hàng tồn nhiều đã dẫn đến giá xuất khẩu gần như không tăng và có xu hướng giảm trong biên độ từ  10-15%. Bên cạnh đó, chính sách ổn định tỷ giá của Việt Nam so với đồng USD mặt khác cũng làm cho dệt may gặp khó khi phải đương đầu với nhiều nước cạnh tranh trực tiếp do việc giảm giá đồng tiền của họ gấp nhiều lần biên độ giảm giá của đồng Việt Nam như ở Campuchia, Myanmar, Lào, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... và điều này không phải là ngoại lệ đối với cả những doanh nghiệp dệt may đầu đàn của Việt Nam hiện nay. Thông tin đáng lưu ý khác là khả năng xuất khẩu toàn ngành năm nay có chỉ đạt 29 tỷ USD, giảm 2 tỷ USD so với kế hoạch đề ra.

Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may đang phải xoay xở, tìm kiếm mở rộng thị trường, đơn hàng... để bảo đảm doanh thu cũng như thu nhập cho người lao động thì các doanh nghiệp dệt may ở Huế có vẻ may mắn hơn khi vấn đề nổi cộm hiện nay là thiếu lao động. Và do vậy, có vẻ như sức ép quan trọng nhất của các doanh nghiệp dệt may Huế hiện này là việc cạnh tranh đến từ việc làm thế nào đảm bảo nhân công cho các dây chuyền sản xuất và hoạt động thường xuyên của nhà máy. Mật độ nhà máy đông và phân bổ gần nhau đã dẫn đến áp lực về nguồn lao động. Mặc dù mỗi doanh nghiệp, công ty đều có những chính sách ưu đãi riêng ở mức cạnh tranh nhưng tình trạng lao động nhảy việc vẫn là điều đang diễn ra, nhất là các lao động có tay nghề kỹ thuật cao và lao động phổ thông thiếu ở mức con số hàng trăm ở mỗi đơn vị.

Việc hình thành một trung tâm dệt may ở Thừa Thiên Huế, trong đó có công nghiệp phụ trợ là điều đang được hướng đến và trong hướng đi này, việc thu hút và  giải quyết nguồn lực có vẻ là không quá đáng lo. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nghĩ đơn thuần vì tình trạng cạnh tranh chính trên sân nhà, tình trạng nhảy việc sẽ làm các nhà đầu tư tính toán về độ rủi ro, về các chi phí tăng thêm trong sự không ổn định để phát triển. Hơn nữa, những áp lực đang có của dệt may cả nước có thể cũng là điều sẽ xảy ra khi bước vào sân chơi lớn...

Minh Hà