Đúng hẹn, thiếu tá Hoàng Bình Minh, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng 629 đón chúng tôi ngay trước cổng. Sau nghi thức “ngoại giao”, anh dẫn tôi đến thăm căn nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” của bà Hồ Thị Ngưm, 65 tuổi, ở thôn A Vinh, xã Hồng Thái, huyện A Lưới. Vừa đi anh Minh vừa thông tin: “Bà Ngưm là gia đình thuộc diện hộ nghèo, suốt cuộc đời vất vả, dù tuổi đã lớn nhưng gia đình bà vẫn sống trong căn nhà tạm bợ, dột nát, hễ mưa là trong nhà chẳng khác gì ngoài sân. Căn nhà này là một trong số 20 căn nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” do Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Báo Sài gòn giải phóng kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ xây dựng. Đoàn thanh niên Đồn 629 là đơn vị đảm nhận thực hiện...”
Khánh thành 20 căn nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” do Đoàn thanh niên Đồn 629 đảm nhận thực hiện
Bước vào căn nhà rất khang trang, bà Hồ Thị Ngưm gặp chúng tôi liền rưng rưng nước mắt: “Cả đời mẹ ở nhà tạm bợ, chưa bao giờ nghĩ được ở cái nhà đẹp, mẹ ơn bộ đội biên phòng lắm!”.
Rời gia đình bà Hồ Thị Ngưm, chúng tôi đến thăm và tận mắt chứng kiến niềm hạnh phúc của gia đình chị Hồ Thị Tươi, ở thôn Tà Kêu, xã Nhâm. Còn nhớ trong các chuyến công tác ở A Lưới trước đây, chúng tôi được chứng kiến cảnh cán bộ, ĐVTN đồn 629 xây dựng nhà “mái ấm biên cương” cho các hộ nghèo nơi biên giới. Nhìn dáng cặm cụi trộn vữa đúc bờ lô xây nhà cho dân bản của các anh lúc đó, rất dễ hiểu vì sao bà con lại quý mến cán bộ, ĐVTN đơn vị đến vậy. Trời nắng chang chang, bên sườn núi không một bóng cây, gió từng cơn thổi hơi nóng vào rát cả mặt. Tất cả nhễ nhãi mồ hôi, lưng áo ướt đầm. Trung úy Trần Hoàng Thọ, đoàn viên Đồn biên phòng 629 chỉ cho tôi xem ngôi nhà cũ của chị Tươi. Cái gọi là nhà ấy, là một túp lều diện tích chừng 18m2, xung quanh che chắn bằng vách phên cây lồ ô, cửa ngõ thì trống lô trống lốc, thông thống gió lùa.
Giúp gia đình chị Tươi xây dựng căn nhà này quả là vất vả. Chỉ riêng việc kiếm một mặt bằng chừng 40m2 để làm nền nhà đã khó. Anh em cán bộ, ĐVTN đơn vị phải thay phiên nhau đào thủ công, cuốc đất, đắp nền suốt mấy ngày trời mới tạo được một mặt bằng vừa đủ diện tích. Sau đó dùng đá đã phá khi làm nền nhà để đúc thành bờ lô. Đúc bờ lô cũng không dễ dàng gì, ba đoàn viên thay nhau đi chở nước mới đủ trộn hồ để đúc. Nơi lấy nước cũng cách xa gần 2 cây số, mỗi lần chở về hai thùng nhựa, mỗi thùng 20 lít nước.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, chị Tươi bộc bạch: “Có được căn nhà mới này thiệt quá phấn khởi, bà con rất mang ơn Đảng và bộ đội biên phòng. Có căn nhà này rồi tương lai con cái mình sẽ được học hành đến nơi đến chốn...”. Mặc dù Đồn 629 đã hỗ trợ xây dựng cho chị căn nhà mới, nhưng chị vẫn giữ lại căn nhà cũ để làm bếp như là vật kỷ niệm. Hai ngôi nhà đặt sát nhau mới thấu hiểu hết ý nghĩa lớn lao của mồ hôi, công sức mà ĐVTN Đồn 629 đã giúp cho dân bản.
Điều đặc biệt, khi trực tiếp đảm nhận xây dựng 20 nhà “Nghĩa tình Trường Sơn” trên địa bàn 4 xã Hồng Thượng, Hồng Bắc, Nhâm và Hồng Thái, thấy bà con khổ quá, anh em cán bộ, chiến sĩ tự động quyên góp kinh phí để hỗ trợ vận chuyển vật liệu và một số chi phí cho bà con. Đại úy Hồ Văn Hới, Bí thư Chi đoàn Đồn 629 cho biết: “Chi đoàn phát động phong trào tự nguyện quyên góp ngày lương để giúp đỡ bà con trong việc xây dựng mái ấm biên cương, và đã nhận được sự tham gia rất nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ, ĐVTN đơn vị. Qua đó, đã góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này của đơn vị”.
Nhìn niềm vui rạng ngời trên từng gương mặt của người dân nơi biên cương khi tự tay mình mở cánh cửa ngôi nhà mới, tôi thật sự cảm nhận được từ trong sâu thẳm ở mỗi người dân nơi đây, tất cả đều hướng về Đảng, về Bộ đội Cụ Hồ với một lòng tin thật son sắt, thủy chung. Chị Hồ Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Bắc nói rằng, nếu không có bộ đội biên phòng, e rằng địa phương khó có được những bước tiến về đời sống kinh tế, xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới như bây giờ.