Doanh nghiệp đến với KCN...

Đến nay, KCN Phong Điền đã thu hút 5 dự án sản xuất trên diện tích 137 ha, với tổng mức đầu tư chiếm 749 tỷ đồng. Trong đó phải kể đến, Công ty TNHH Scavi Phong Điền với dự án may mặc; Công ty CP Prime Phong Điền sản xuất men frit; Công ty CP Bảo Toàn A và Công ty TNHH Khoáng sản Khánh Hòa với dự án sản xuất sodium silicat, sản xuất pin mặt trời và sợi thủy tinh.
 
Ông Nguyễn Đại Vui, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền khẳng định: Một trong những dự án đầu tư có quy mô khá lớn và đang hoạt động rất hiệu quả tại KCN Phong Điền là Scavi Phong Điền. Doanh nghiệp này đang khẳng định vị thế của mình tại Phong Điền, một trong những doanh nghiệp may có qui mô gần như lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế.
 

Công ty CP Prime Phong Điền không ngừng đầu tư dây chuyền sản xuất

 
Ông Trần Văn Mỹ, Giám đốc Công ty TNHH Scavi Phong Điền cho biết: Mỗi năm, công ty xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Mỹ khoảng 15 triệu sản phẩm may mặc, với doanh thu khoảng 32 triệu đô la Mỹ. Hiện Công ty Scavi Phong Điền có nhà máy may mặc, với khoảng 100 dây chuyền và đã giải quyết việc làm cho khoảng 4.000 lao động.
 
Thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp đến với KCN Phong Điền là mục tiêu đặt ra của không chỉ BQL các KCN tỉnh mà của cả huyện Phong Điền. Hiện nay, có 3 nhà đầu tư cơ sở hạ tầng vào KCN Phong Điền. Đó là, Công ty Xây lắp Thừa Thiên Huế; Công ty CP Prime Thiên Phúc và Công ty TNHH C&N Vina Huế (Hàn Quốc) đang tập trung triển khai giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng KCN để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.
 
Ông Nguyễn Hữu Trân, Trưởng BQL các KCN tỉnh cho biết, theo quy hoạch, đến năm 2020, KCN Phong Điền sẽ mở rộng quy mô lên 700 ha. Đây là khu công nghiệp tổng hợp, chủ yếu bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, ưu tiên cho ngành sản xuất và chế biến cát; bao gồm: Công nghệ thông tin, cơ khí, chế tạo máy, thiết bị sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải, gia công lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp điện tử và sản phẩm điện gia dụng; công nghiệp chế biến nông, lâm, hải sản xuất khẩu; công nghiệp vỏ bao bì (giấy, kim loại, chất dẻo), bao bì cao cấp; công nghiệp may mặc xuất khẩu; chế biến các sản phẩm từ cát và một số ngành công nghiệp khác sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại. Ngoài mở rộng phát triển khu công nghiệp Phong Điền, UBND tỉnh cũng đã có quyết định phê duyệt xây dựng cụm công nghiệp Điền Lộc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thúc đẩy phát triển cho vùng ngũ điền.
 
Thu hút đầu tư vào KCN...
 
Tiếp tục thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào KCN Phong Điền, trong năm 2012, BQL các KCN tỉnh đã xây dựng đề án, đầu tư một số hạng mục cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến với KCN Phong Điền. Mặt bằng, đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải... đó là những hạng mục quan trọng mà KCN Phong Điền hướng đến, nhằm đảm bảo tính đồng bộ cho kết cấu hạ tầng KCN.
 
KCN Phong Điền được thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7 năm 2009, với diện tích 400 ha, hướng tới mở rộng 700 ha vào năm 2020. Diện tích đất quy hoạch KCN nằm bên cạnh mỏ cát thạch anh với diện tích 3.800 ha, chất lượng tốt và được Thủ tướng Chính phủ cho phép khai thác, chế biến các sản phẩm từ cát. Giá cho thuê lại đất tại KCN Phong Điền: 0,5 USD/m2/năm; phí hạ tầng: 0,15 USD/m2/năm. KCN Phong Điền ưu tiên đầu tư phát triển các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, bao bì, chế biến nông lâm sản, cơ khí, dệt may, giày da... Đến với KCN Phong Điền, nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi chung của Chính phủ và chính sách ưu đãi riêng của tỉnh.
Trong năm 2012 tại KCN này sẽ xây dựng một nhà máy xử lý nước thải tập trung, công suất 5.000 mét khối/ngày đêm, với tổng kinh phí khoảng 28 tỷ đồng. Trước mắt, BQL các KCN tỉnh và UBND huyện Phong Điền phối hợp đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng ở Khu C của KCN Phong Điền, nhằm sớm giao đất cho các chủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết phục vụ cho các hoạt động tại KCN, ông Nguyễn Hữu Trân cho biết.
 
Ông Hồ Bê, TUV, Bí thư Huyện ủy Phong Điền nhấn mạnh: Với tư cách là địa phương có KCN, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện để các đơn vị, ban, ngành và các nhà đầu tư đến với KCN. Tùy theo chức trách, nhiệm vụ của mình chúng tôi cùng phối hợp với BQL các KCN tỉnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, để xây dựng các hạng mục cần thiết về cơ sở hạ tầng ngoài hàng rào, phục vụ các doanh nghiệp đến hoạt động tại KCN. Đó là cách để góp phần khắc phục những khó khăn trong thu hút đầu tư, nhằm xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh, đáp ứng cho sự phát triển của ngành công nghiệp trên địa bàn.

Anh Phong