An cư

Gần tuổi 90, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Xuân Định xã Quảng Thành (Quảng Điền) mới thực hiện được ước mơ xây dựng ngôi nhà kiên cố. Tham gia kháng chiến từ năm 1946, trải qua nhiều chiến dịch, ông Định không nhớ rõ mình bị thương bao nhiêu lần. Chỉ nhớ rằng trước chiến thắng Điện Biên Phủ 2 ngày, ông bị thương và đến năm 1959 thì xuất ngũ với chứng nhận thương binh hạng 3.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới khang trang, ông Định vừa mừng, vừa xúc động: “Xuất ngũ, sức khỏe không còn tráng kiện, hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại chỉ quanh quẩn với ba sào ruộng nên đến cuối đời, vợ chồng tôi vẫn ở trong ngôi nhà ọp ẹp, ước mơ có ngôi nhà kiên cố vẫn chỉ là ước mơ. Đến đầu năm 2015, nhận được 2 đợt hỗ trợ xây dựng nhà ở kinh phí 30 triệu đồng, tôi mới mạnh dạn vay thêm vốn xây nhà”.

Không riêng gì ông Định mà nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ khác cũng nhận được hỗ trợ xây dựng, cải tạo nhà ở, ổn định cuộc sống. Tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc màu da cam, có bố là liệt sĩ, bà Lê Thị Yêm, xã Quảng Thành là một trong số 66 hộ dân huyện Quảng Điền nhận được 40 triệu đồng hỗ trợ xây dựng mới nhà ở. Ngoài kinh phí hỗ trợ, bà chủ động bỏ thêm kinh phí đầu tư xây dựng ngôi nhà cũ thành nhà thờ tự. Với bà, xây dựng được ngôi nhà thờ là tâm nguyện ấp ủ từ lâu.

Cần xã hội hóa

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh với Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội năm 2012, số hộ người có công cần hỗ trợ về nhà ở tại Thừa Thiên Huế là  2.238 hộ, trong đó, xây mới 502 hộ và sửa chữa 1.736 hộ. Số liệu bổ sung lại còn cao hơn nhiều so với số liệu trên. Đến nay, Bộ Tài chính mới chỉ tạm ứng cho tỉnh 20,538 tỷ đồng, đạt 38% kinh phí cần có. Để kịp thời triển khai, tỉnh đã tạm ứng kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, với tổng số tiền ngân sách tỉnh 50,140 tỷ đồng, tương ứng với 2.043 hộ, trong đó: xây mới 464 hộ; cải tạo, sửa chữa 1.579 hộ.

Ông Lê Quang Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng lý giải: Do số liệu rà soát, phê duyệt và phê duyệt bổ sung đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở của cả nước vượt 3,18 lần so với số liệu báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các đối tượng này sẽ xử lý dần theo khả năng ngân sách. Vì vậy, chính sách này tạm ngưng, chờ đến khi nguồn kinh phí Trung ương phân bố. Đây là một trong những nguyên nhân khách quan, dẫn tới việc triển khai chương trình gặp nhiều khó khăn.

Trong điều kiện nhiều hộ thuộc diện đối tượng chính sách trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng còn gặp nhiều khó khăn về nhà ở, thì việc hỗ trợ các hộ gia đình chính sách xóa nhà tranh, chống dột, chống sập, ổn định cuộc sống và an sinh xã hội là việc làm cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, trong thời gian chờ nguồn ngân sách tiếp tục thực hiện chương trình, các tổ chức, đoàn thể cần tiếp tục chung tay cùng hỗ trợ người có công trong việc đầu tư xây dựng, cải thiện chỗ ở. Đó cũng là việc làm thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ông Lê Quang Dũng chia sẻ thêm.

Theo thống kê của Sở Xây dựng, đến nay, chương trình nhà ở cho người có công đã triển khai xây dựng 2.318 nhà; tổng kinh phí hơn 61,3 tỷ đồng. Trong đó, xây mới 748 nhà với tổng kinh phí 29,9 tỷ đồng; cải tạo, sửa chữa 1.570 nhà với tổng kinh phí 31,4 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân hỗ trợ người có công dưới nhiều hình thức để xây dựng nhà ở. Những chương trình này đã tạo hiệu ứng xã hội tốt, góp phần giải quyết khó khăn về vấn đề nhà ở, tri ân những người đã hy sinh vì độc lập dân tộc.

Hoàng Loan