Hồi trước chưa làm cống thì nước mặt tràn chạy êm. Giờ nhân dịp làm cống thoát, ai cũng muốn trước mặt nhà mình cao hơn để khỏi đọng nước. Thế là không đồng nhất, chỗ cao chỗ thấp.

Mình cười. Phương Đông mình xóm giềng làm trọng lắm. Bán bà con xa mua láng giềng gần mà. Sao lại có chuyện ai cũng muốn nơi mình ở cao hơn để khỏi đọng nước, còn nhà người khác thì mặc !

Nhìn sâu vấn đề một tí thì chúng ta thấy, tư tưởng tiểu nông còn sót lại nặng nề lắm. Nghĩa là cứ bo bo cho mình, không san sẻ cho ai. Thậm chí người khác san sẻ cho mình còn nghi kỵ không biết có phải không ! Tư tưởng này gắn nặng với phong kiến.

Mấy mươi năm rồi, tư tưởng này kìm hãm xã hội phát triển Xã hội phát triển là anh phát triển, tôi mới có cơ hội hoặc nhiều cơ hội hơn để phát triển. Nó là một dây chuyền tác động liên tục không ngừng nghỉ. 

Tư tưởng tiểu nông gắn với gì ? Chắc là phong kiến nặng nề nhất. Bao nhiêu năm rồi, tiểu nông vẫn còn. Thậm chí còn nặng hơn. Ví dụ như tính gia trưởng. Xã hội kém phát triển hoặc phát triển chậm chạp cũng một phần vì tư tưởng này.

Nhưng tại sao làm một con đường kiệt thôi mà chỗ cao chỗ thấp, mạnh ai nấy làm. Tiểu nông như trên đã nói thì hẳn rồi. Nhưng vấn đề là chưa quy chuẩn. Thứ nhất, chuẩn nó là thế này thì anh không thể làm khác. Điều này thuộc về luật lệ. Hai, chuẩn nó là thế này, anh muốn nhà mình khô thì không thể nhà tôi thì nước đọng. Điều này thuộc về ý thức cộng đồng, gọi là cách ăn cách ở. Chúng ta nói nhiều về ý thức cộng đồng, về tôn ti trật tự … nhưng nhiều lúc, nhiều nơi, điều này vắng bóng.

Nhìn vào lĩnh vực kinh tế, nơi nào tư tưởng tiểu nông chi phối thì khó mà phát triển. Đó là việc chỉ định thầu các công trình xây dựng, cho các công ty sân sau, cho những người thân thích. Đó là việc đấu thầu “quân xanh quân đỏ”. Đó là việc quy hoạch một con đường… sao cho có lợi cho nhà mình nhất. Một khi nguồn lực quốc gia, nguồn lực của địa phương được phân bổ một cách không minh bạch, méo mó, tạo điều kiện cho người này, cho nhóm lợi ích kia thì cũng đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội của người khác. Nghĩa là thiếu hẳn việc tạo ra môi trường cạnh tranh, mà điều này là yếu tố cốt lõi nhất để tạo ra động lực phát triển.

Trở lại vấn đề làm các đường kiệt. Khi quan sát việc thi công nhiều đường kiệt, có vấn đề này đặt ra: Chúng ta phải làm đường “ xương sống” trước rồi mới làm đường “xương cá”. Như thế mới kết nối được hệ thống. Ở đây, có nhiều nơi chưa thấy làm đường “xương sống” đã thấy làm được “xương cá”. Chắc chắn cách làm này thì cũng đào lui đào tới, ảnh hưởng dân sinh.

Có một sáng nào đó đạp xe vòng vòng nghĩ về chúng ta. Một chiếc xe đạp chúng ta cũng không sản xuất nổi. Nói chính xác là xe của họ nhiều triệu, xe mình một triệu, đẳng cấp mình thấp. Chín mươi triệu dân, có mấy người không biết đi xe gắn máy, chúng ta sản xuất được gì. Mấy triệu chiếc ô tô chúng ta sử dụng ai sản xuất? Chúng ta đang làm gì và nghĩ đâu đâu...?

NGUYÊN LÊ