Vậy nhưng, trong phiên tòa xét xử M bị truy tố về tội giết người hôm ấy, cả bị cáo và người bị hại đều rơi rất nhiều nước mắt, nhưng không thể “lấy” được chút cảm thông từ những người dự khán. Chuyện bắt đầu từ “sự kiện” M bị người yêu (đang là sinh viên một trường đại học ở Huế) nói lời chia tay. Khi M từ quê đến Huế để “năn nỉ”, cô bạn gái vẫn “hồn nhiên” cùng M nằm trên giường trong phòng trọ và đắp chung một cái chăn. Tuy nhiên, cô nhất quyết khăng khăng đòi đường ai nấy đi. Tệ hơn nữa, cô còn “xả” không biết bao nhiêu lời xỉ vả mạt sát không chỉ với người yêu của mình, mà cha mẹ người thân của anh này cũng chịu chung số phận. Năn nỉ bạn gái không được, M lấy cây dao gọt trái cây để trên bàn luồn vào chăn đâm cô. Cô gái lăn xuống nền nhà, M “theo” đến cùng bằng cách siết cổ nạn nhân. Cũng may, sự việc được mọi người phát hiện, đưa cô gái đi cấp cứu; đồng thời, kịp ngăn chặn hành vi tự sát của M. Lý giải cho điều này, bị cáo cho rằng, cô gái ấy vẫn còn tình cảm với anh ta, nên M lựa chọn nếu không được cùng sống thì cùng nhau chết.

Trả lời câu hỏi vì sao trong quá trình điều tra, phải một thời gian rất lâu sau nạn nhân mới khai việc mạt sát, xỉ vả M và những người trong gia đình anh ta, bằng những ngôn từ thậm tệ, trước lúc xảy ra vụ án, cô gái này cho rằng: vì sẽ chẳng hay ho gì nếu để người khác biết mình là sinh viên mà có hành vi ứng xử thiếu văn hóa! Tuy hội đồng xét xử không lúc nào đề cập, nhưng những dấu hỏi xôn xao trong đám đông người dự phiên tòa, rằng vì sao đã “cắt đứt” với M, lại còn vô tư nằm trên giường cùng anh ta đắp chung một cái chăn, để anh ta hiểu lầm và xảy ra nông nổi, khiến cô gái cúi đầu.
 
 
Trong lúc hội đồng xét xử nghị án, bị cáo được đưa vào phòng cách ly. Có lẽ thương người bố tội nghiệp của M lặn lội hơn 400 km đến phiên tòa, nên những công an làm nhiệm vụ cho phép ông vào gặp con (đang giàn giụa nước mắt). Phía ngoài cửa kính, người bị hại trong vụ án- bạn gái của M, cũng sụt sịt khóc. Một người không nén được bực bội: “Tui thật không hiểu nước mắt của cái cô đó nó là như răng? Dù cô ta có là nạn nhân tui cũng phải nói: Đó là lối sống quá buông thả. Quan trọng nữa là, cô ta thuộc những người trẻ, có tri thức, lại dễ dàng tuôn ra lời nói thóa mạ xúc phạm người khác, những người đáng tuổi cha chú của mình, là vi phạm đạo đức xã hội (và trong rất nhiều trường hợp khiến “đối phương” bức xúc dẫn đến hành vi phạm tội hình sự). Còn anh kia (bị cáo M- PV) “bệnh” nặng quá rồi. Yêu không được thì giết. Giết người rồi còn định tự kết liễu mạng sống. Như vậy chỉ làm khổ cha mẹ, làm mất trật tự xã hội”.
 
Rất nhiều ánh mắt tỏ vẻ đồng tình. M và bạn gái của anh ta dù ngồi trên hai “ghế” khác nhau trong phiên tòa này, nhưng quả thực không chỉ M mà cả cô gái ấy đều “bệnh” nặng. Cái căn bệnh sống ích kỷ, vô trách nhiệm với chính bản thân, với gia đình và xã hội, rất đáng bị lên án. Do đó, bị cáo M và cả cô gái ấy cần phải nghiêm khắc sửa chữa, rèn luyện, mới mong nhận được sự tha thứ.
 
Phạm Thùy Chi