Chơi một ngày, chuẩn bị... cả tuần

Những buổi chiều cuối tuần, dọc bờ sông Hương hướng cầu Tuần, cồn Dã Viên, phá Tam Giang hay một số bãi biển ở Huế lại xuất hiện hình ảnh người câu cá. Họ xuất thân từ nhiều ngành nghề, lứa tuổi khác nhau nhưng chọn câu cá làm thú vui sau những giờ phút học tập, làm việc mệt mỏi.

Câu cá ở đoạn sông gần cầu Bến Ngự

Anh Trần Nhất Sinh, người câu cá lâu năm kể, tuy là thú vui thư giãn nhưng cũng cần sự tỉ mẩn trước mỗi chuyến đi, công phu nhất là công đoạn làm mồi. Thông thường, họ không chọn mua loại mồi bán sẵn trên thị trường mà tự chế biến để gia tăng sức “hấp dẫn” nhằm dụ cá. Mỗi loại cá có một cách chế biến mồi theo công thức khác nhau. Câu cá ở sông, người ta thường dùng khoai ủ chua trước khoảng 5-7 ngày sau đó trộn với bơ béo, cám rang thơm, bột cá, tạo thành loại mồi có màu sắc, mùi vị phù hợp. Hay, câu cá kình ở đầm phá, người câu phải đi tìm loại gạo chuẩn 4B (gạo cũ, xuất xứ ở Quảng Trị) nấu theo đúng kỹ thuật rồi bỏ vào bao ni lông nhồi thành bột. Theo người câu cá chuyên nghiệp, có loại chỉ cần chuẩn bị vài giờ đồng hồ, nhưng có những thứ mồi phải mất cả tuần. “Công phu nhất là làm mồi câu cá hanh. Loại mồi này được làm từ cá nục tươi luộc ra lấy thịt trộn với bột mì rang sao vàng cộng với nước vắt từ cua (rạm), dầu mè và bánh quy xay thành bột. Rất mất thời gian nhưng hầu như ai đam mê câu đều muốn tự làm”, anh Huỳnh Kim Ngọ, người chuyên câu cá hanh chia sẻ.

Điểm thú vị trong nghề chơi này là người câu phải trang bị cho mình kiến thức về con nước, yếu tố thời tiết, tập tính của các loại cá để sử dụng phao, chì,  lưỡi câu và chọn vị trí câu phù hợp. Theo anh Vĩnh Hùng, Phó Chủ nhiệm CLB Câu cá Huế, sự chuẩn bị về kiến thức giúp người câu xác định được thời điểm, kỹ thuật để câu cá hiệu quả. “Có những loại cá phải câu đêm hoặc sáng sớm, có loại cá ăn mặt nước, sát đáy hoặc lưng chừng,… Mỗi chuyến đi câu cá thư giãn thường đi xa, dù không phải mưu sinh nhưng sự chuẩn bị tốt sẽ giúp mình có một kết quả hài lòng”, anh Hùng nói.

Ngày nay, xu hướng nhiều người chuyển sang cần câu máy để câu cá xa bờ (kể cả câu sông). Mỗi người câu sắm cho mình khoảng 3-5 cần, với chi phí khá lớn (loại rẻ 400.000 đồng/cần, loại đắt lên đến cả vài chục triệu). Khâu chọn lựa cần câu không hề đơn giản, bởi dân câu phải am hiểu về địa hình, địa điểm và loại cá mình câu mới chọn lựa phù hợp. “Độ dài, đàn hồi, chất liệu cần câu khác nhau phù hợp với từng vị trí câu nên phải biết mà lựa cho đúng”, anh Sinh chia sẻ.

Chinh phục con cá

Những người theo “nghề chơi” tiết lộ, câu cá là một quá trình chinh phục theo đúng nghĩa đen, ngoài sự kiên trì, nhẫn nại đợi cá, phải vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại. Anh Đặng Văn Tuấn, thành viên CLB Câu cá Huế kể: “Hằng năm, anh em trong câu lạc bộ thường tổ chức câu cá trên biển, thuê thuyền nhỏ của người dân ra khoảng 20 hải lý. Có lần đi từ sáng đến trưa, sau khi ăn cơm xong thì gặp tố lốc bất ngờ neo tàu không được, phải đến 3 giờ sáng hôm sau mới nấu được bữa ăn tiếp theo”.

Theo anh Hùng, những loại cá khó câu càng khiến dân câu muốn thử thách. Như loại cá hanh buộc phải câu đêm hoặc sáng sớm, thường vào những tháng có gió Đông bắc. Người câu loại cá này chỉ dùng loại ánh sáng trước ngọn cần và ngồi giữa thời tiết mưa lạnh để chinh phục con cá. Những hành trình câu cá như vậy thường mất nhiều thời gian và người câu phải dùng bữa ăn được chuẩn bị từ trước ngay tại chỗ.

Những người câu cá đúc rút, nghề của họ khác với những người câu cá để mưu sinh. Sự đầu tư về mặt thời gian, công phu chuẩn bị, chi phí,… là không nhỏ nhưng đổi lại họ có được niềm vui, tính kiên trì và những trải nghiệm thú vị trong cuộc sống.

Lê Hữu Phúc