Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: AFP

Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nói với tờ báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung rằng, thỏa thuận tị nạn đã phát huy hiệu quả nhờ vào các "các biện pháp nghiêm khắc" mà Thổ Nhĩ Kỳ đã thực hiện, mặc dù không nêu rõ chi tiết các biện pháp, đồng thời cũng cho biết thêm rằng, sự thành công của thỏa thuận giờ đây chỉ phụ thuộc vào phía châu Âu.

"Tất cả phụ thuộc vào việc hủy bỏ các yêu cầu thị thực cho công dân của chúng tôi, đó cũng là một hạng mục trong thỏa thuận hôm 18/3," Ngoại trưởng Cavusoglu nhấn mạnh.

Thỏa thuận về vấn đề di cư đã được 2 bên ký kết hồi tháng 3 vừa qua, nhằm ngăn chặn dòng chảy những người tị nạn không thường xuyên vào châu Âu. Theo thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ nhận lại tất cả những người di cư và người tị nạn (bao gồm cả những người Syria) đã vượt biển trái phép sang Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua biển Aegean. Đổi lại 28 nước EU sẽ tiếp nhận trực tiếp và tái định cư cho hàng ngàn người Syria đã xin bảo hộ tị nạn hợp pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ tăng hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, đẩy nhanh tiến trình đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU và xem xét miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ khi du lịch tới các nước EU.

Tuy nhiên, những nỗ lực để đạt được thỏa thuận đó đã bị cản trở do Thổ Nhĩ Kỳ từ chối sửa đổi luật chống khủng bố mà EU cho là có quy mô quá rộng, cũng như do cuộc đàn áp của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau một cuộc đảo chính thất bại vừa qua.

"Nếu kế hoạch tự do hóa thị thực không được tuân thủ, chúng tôi sẽ buộc phải rút lại việc tiếp nhận lại người tị nạn và thỏa thuận ngày 18/3," Ngoại trưởng Cavusoglu khẳng định trong cuộc phỏng vấn.

Theo PressTV, ông Cavusoglu kêu gọi EU xác định thời điểm chính xác về việc cấp giấy miễn thị thực. "Có thể vào khoảng đầu hoặc giữa tháng Mười, nhưng chúng tôi đang chờ đợi một ngày chính xác".

Ủy viên châu Âu Guenther Oettinger gần đây đã bác bỏ việc cấp phép du lịch miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay do cuộc đàn áp của Ankara đối với các nghi phạm đảo chính.

Cho đến nay, hơn 60.000 người trong quân đội, tư pháp, dịch vụ dân sự và các trường học ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị giam giữ, miễn nhiệm, bị nghi ngờ có liên quan đến giáo sĩ ngưới Mỹ Fethullah GULEN, người mà Ankara cáo buộc đúng sau cuộc đảo chính bất thành trên.

Tố Quyên (Lược dịch từ PressTV & USnews)