Thủ tướng Lý Hiển Long phát biểu tại Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ở Washington DC, trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ ngày 1/8/2016. Ảnh: TODAY

Phát biểu trong buổi tiếp đón được tổ chức bởi Phòng Thương mại Hoa Kỳ và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN với sự tham dự của gần 200 đại biểu, Thủ tướng Lý Hiển Long cho rằng, mỗi thành viên trong số 12 nước ký tên vào hiệp định TPP đều đã hy sinh nhiều để chấp nhận thỏa thuận, qua đó hối thúc các nhà lập pháp Mỹ phê chuẩn Hiệp định TPP, nói rằng thỏa thuận này rất quan trọng để thắt chặt mối quan hệ của Mỹ với các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông nhấn mạnh rằng đây sẽ là một "cuộc chơi làm thay đổi nền kinh tế "cho Mỹ, khi 12 nước tham dự TPP chiếm đến 40% GDP toàn cầu, 1/3 giá trị thương mại thế giới, với một thị trường 800 triệu dân.

"Tiếp cận thị trường được cải thiện sẽ mang lại những sản phẩm rẻ hơn cho người tiêu dùng và giúp tăng lượng xuất khẩu cho các nhà sản xuất. Đông thời, thỏa thuận cũng bao gồm những quy định chưa từng có về nhân quyền, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ cho lợi ích người lao động và môi trường. Những tiêu chuẩn cứng rắn sẽ thúc đẩy đổi mới và mang lại nhiều lợi ích cho những gã khổng lồ công nghệ Mỹ", Thủ tướng Lý nói.

"Về mặt chiến lược, TPP là hiệp định quan trọng thể hiện sự gắn kết của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Nó sẽ làm tăng thêm sức thuyết cho chính sách tái cân bằng ở châu Á".

Thủ tướng Lý thừa nhận sẽ có nhiều khó khăn về mặt chính trị trong năm bầu cử hiện nay ở Mỹ, nhưng nói rằng việc phê chuẩn hiệp định 12 quốc gia này sẽ là một "tuyên bố rõ ràng" về vị thế của Mỹ trong khu vực. Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Obama hiện tại nhằm đưa TPP trở thành hiện thực cho thấy, chính phủ Mỹ hiểu rõ vai trò của thỏa thuận trong việc đảm bảo sự thịnh vượng trong tương lai của Mỹ.

Thỏa thuận mang tính bước ngoặc này đã được nhất trí vào năm ngoái, sau một quá trình đàm phán kéo dài. Thỏa thuận hiện đang chờ sự phê chuẩn của các cơ quan lập pháp ngay trong chính các nước tham gia thỏa thuận. Ngoài Mỹ và Singapore, hiệp định cũng bao gồm các quốc gia khác, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam và Malaysia.

Tố Quyên (Lược dịch từ Straitstimes & CNA)