Chăm sóc bệnh nhân ở Trung tâm Nhi khoa BVTW Huế 

Theo PGS.TS., bác sĩ Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế, viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai nhưng nguy cơ cao ở trẻ nhỏ do sức đề kháng kém. Hai nhóm tuổi thường dễ bị nhiễm não mô cầu là nhóm trẻ em từ 6 tháng - đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14 tuổi – 20 tuổi.Thông thường vi khuẩn rất dễ lây lan và gây bệnh cho con người khi gặp những yếu tố thuận lợi. Ở Việt nam thuộc khu vực nhiệt đới bệnh thường gia tăng đột biến khi có sự thay đổi đột ngột của thời tiết như thời điểm cuối mùa khô, đầu mùa mưa. Mật độ dân cư đông đúc, chật chội càng dễ lan truyền dịch bệnh não mô cầu. Thành thị thường dễ bị bệnh hơn vùng nông thôn. Điều kiện sinh sống ẩm thấp, chật chội và kém vệ sinh cũng làm cho bệnh dễ lây lan. Khi bị viêm não mô cầu, vi khuẩn có thể tấn công vào bất kỳ cơ quan nào của cơ thể để gây bệnh, dấu hiệu và triệu chứng đặc hiệu của bệnh tùy thuộc vào cơ quan bị vi khuẩn xâm chiếm như hệ hô hấp, hệ thần kinh trung ương, hệ tiết niệu sinh dục, máu, da… Hai biến chứng thường gặp là viêm màng não và nhiễm trùng huyết do não mô cầu. 

Khi bị viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu, thông thường bệnh nhân bị sốt cao đột ngột 39oC – 40oC. Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi và trẻ nhỏ khi mắc bệnh viêm màng não cầu thường có các triệu trứng: Sốt, vật vã, mệt mỏi và tiêu chảy, co giật, phát ban thành những chấm đỏ, tím hoặc đám bầm tím lớn. Trẻ thường quấy khóc nhiều do  đau đầu dữ dội nhất là vùng trán và sau gáy, đặc biệt là trẻ ăn uống khó khăn hoặc bỏ ăn, bỏ bú, người mệt mỏi, lừ đừ do bị nôn, buồn nôn. Bệnh nhân có dấu hiệu cổ cứng, trẻ dưới 12 tháng tuổi có thể xuất hiện dấu hiệu thóp phồng. Giai đoạn đầu, bệnh có triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường nên khó phát hiện. Bệnh viêm màng não mô cầu tiến triển rất nhanh. Nếu không cấp cứu kịp, hệ quả của nó để lại có thể khiến người bệnh tàn tật suốt đời với di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, tổn thương não hoặc tử vòng trong 24h.

Về biện pháp phòng ngừa, PGS.TS, bác sĩ Nguyễn Đình Sơn khuyến cáo, cần giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ tốt: khuyến khích trẻ và người lớn súc miệng thường xuyên bằng dung dịch nước muối loãng (nước muối sinh lý), rửa tay sạch sẽ đúng cách, mang khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng, che miệng khi ho, khi hắt hơi... Giữ vệ sinh nơi sinh sống: tạo môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Tiêm chủng bằng vắc xin là một trong những phương pháp phòng bệnh hiệu quả và chủ động bằng thuốc chủng ngừa vi khuẩn não mô cầu sẵn có tại Việt Nam và đang triển khai tại phòng tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm Y tế dự phòng Thừa Thiên Huế.

NAM PHƯƠNG