Tôi quen anh trong một lần nhờ xe từ Nhà máy in hoa Hà Đông về Văn Điển (Hà Nội). Ngày xưa, cứ mỗi lần đạp xe ra đường, hầu như anh đều chở người lạ xin đi nhờ xe. Khi ấy, dù phương tiện giao thông khó khăn, nhưng ra đường muốn đi đâu, xa mấy cũng có người cho đi nhờ. Chẳng quen biết gì cả. Cứ xin đi nhờ xe là họ dừng lại chở ngay, đưa đến tận nơi mình muốn đến (nếu cùng đường). Vì thế chúng tôi mới quen anh. Mà đâu chỉ có đi nhờ xe của các anh. Cứ mỗi lần đi đâu xa, chúng tôi cũng xin đi nhờ xe của bất cứ người nào gặp trên đường, họ đều chở đi giống như nhiệm vụ phải làm.

Chúng tôi nói với nhau rất nhiều chuyện sau một thời gian xa cách khá dài. Đó là những ký ức của những tháng ngày đẹp đẽ. Ngày ấy, cả dân tộc sống trong cảnh chiến tranh tàn phá. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nhưng tất cả đặt giá trị nhân văn trên hết. Con người sống để yêu thương nhau! Ngày ấy gia đình tôi sống ở cơ quan của ba, mẹ  ở Viện Điều tra qui hoạch lâm nghiệp Hà Nội. Tất cả hơn 500 cán bộ nhân viên đều ở các khu tập thể của cơ quan. Thời buổi chiến tranh, mọi người trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Luôn trong tâm trạng mất mát, tổn thất nên các khu tập thể được xây dựng tạm thời. Mái tranh, vách đất. Cửa ngõ sơ sài. Chỉ một chiếc chốt tre mỏng. Khóa cửa chỉ là hình thức. Vậy mà chưa bao giờ nhà ai bị mất thứ gì, dù có thể đi vắng vài ngày. Ngày nghỉ, người lớn đi chợ hoặc bận việc có thể gửi con ở nhà hàng xóm thoải mái.

Ngày ấy phương tiện giao thông của các gia đình chủ yếu là xe đạp, nhưng không phải nhà nào cũng có. Xe đạp cũng là tài sản rất quí của mỗi gia đình. Thế nhưng, mỗi lần ai đi đâu xa, mượn xe đạp của người khác là chuyện thường tình. Tôi nhớ năm 1971, cả viện của ba, mẹ tôi chỉ có mỗi nhà cô Đức có cái ti vi do chồng học ở Đức đem về. Nhà cô ấy chỉ rộng khoảng 5m2, không thể chứa được hàng trăm người. Cô Đức để ti vi ra ngoài  hành lang cho mọi người cùng xem. Có bao nhiêu ghế cô đều khuân ra. Xô chậu hứng nước để dùng cho ngày mai cũng bị trẻ con chúng tôi nghịch ngợm làm đổ lênh láng ướt hết cả nhà. Nhưng cô Đức chẳng bao giờ cằn nhằn. Cứ mỗi cuối tuần có chương trình trên ti vi là cô lại vui vẻ tiếp đón khách đến xem.

Thời chiến tranh nhiều khó khăn. Thứ gì cũng thiếu. Máy bơm nước nhiều lúc bị hỏng. Nửa đêm, ba, mẹ tôi phải dậy xếp hàng để hứng nước (bể nước tập thể dùng chung). Nhiều khi đặt cục gạch để lấy chỗ. Can giờ thì ra đặt xô, chậu vào. Dù không có chủ, cục gạch ấy cũng không bị ai lấy đi để thay thế chỗ của mình! Gạo, thực phẩm đều mua theo tem,phiếu. Đến tháng thì mọi người cùng đi mua theo ngày qui định. Họ xếp hàng một cách trật tự. Tôi chưa bao giờ thấy cảnh chen lấn xô đẩy tranh giành chỗ, cãi vã nhau để mua hàng được sớm. Đi tàu điện hoặc xe buýt, thanh niên nhường chỗ cho các cụ già, người lớn tuổi là chuyện dĩ nhiên, từ trong tiềm thức của họ.

Ngày ấy, nhà ông phó viện trưởng cơ quan ba mẹ tôi ở khu tập thể cùng chúng tôi. Cũng nghèo nàn về vật chất, nhưng giàu có về tâm hồn, tình cảm. Ông viện trưởng thì ở trên một chiếc nhà sàn nho nhỏ với một bộ bàn, ghế và chiếc tủ đựng đồ dùng hết sức giản dị. Ông ấy làm việc siêng năng, luôn tìm cách đẩy mạnh sự phát triển của cơ quan và bảo đảm cuộc sống, quyền lợi cho cán bộ nhân viên của mình. Cấp dưới, các trưởng, phó phòng, những người giúp việc cho ông đều rất giỏi về chuyên môn.

Hôm nay gặp lại anh, bao ký ức đẹp của 40 năm trước lại ùa về. “Đó là quãng đời thơ ấu được sống trong tình người ấm áp. Dù khổ, nhưng cả anh, em và bạn bè, những người 6X chúng ta đã rất may mắn được sinh ra thời đó. Thời đã xây dựng nên nhân cách của một thế hệ’’. Anh nói khi chúng tôi chia tay nhau!

Đinh Hoàng Xuân Hồng