Chuyện bắt đầu từ mấy con gà nhà hàng xóm thả rông. Nhà sát nhau, anh chị vun vén trồng trước sân chậu hoa, bụi cải. Thoáng cái, đàn gà hàng xóm sang, phá tanh bành. Đến lần thứ hai thì chị sang nhà hàng xóm, phản ánh. Hàng xóm dạ dạ, vâng vâng, hứa sẽ canh gà cẩn thận. Nhưng chỉ được mấy hôm, khoảnh sân nhà chị lại bị gà bới tanh bành.

Anh chị bàn nhau nuôi con chó cho nó giữ nhà và đuổi gà. Được mấy hôm thì chó cắn chết mấy con gà con của hàng xóm. Hàng xóm phàn nàn, chị hứa sẽ xích chó lại. Con chó bị xích không quen, hết rên rỉ lại gầm gừ rồi kêu ăng ẳng. Hàng xóm ngủ trưa không được, lại thả ra.

Một buổi trưa, vừa đi làm về, hàng xóm đợi trước cổng, xối xả bảo con chó cắn chết cả đàn gà rồi. Chị chạy sang thì thấy chuồng gà tanh bành. Gà mẹ, gà con nằm lăn trên đất. “Được rồi, chị tính bao nhiêu tôi đền”, chị nặng giọng. ‘‘Chị nói nghe dễ quá. Mấy con gà mẹ sắp đẻ trứng. Bầy gà con mấy tháng nữa là to. Rồi nó lại đẻ trứng, nở ra con, lớn lên, đẻ trứng... Chị có đền được như thế không?’’, hàng xóm tru tréo. Không kìm được, chị vùng vằng bỏ về, đánh con chó một trận thừa sống, thiếu chết. Chị hàng xóm không nhịn, chạy ra ngõ la toáng lên.

Sau cuộc cãi vã ầm ĩ, hai nhà cùng nhau “tuyệt giao”. Chị bảo, cả ngày mệt mỏi với công việc, về nhà lại nặng nề. Đến con cái cũng “bị cấm” chơi với nhau. Mặc cảm cả với hàng xóm khác. Ngột ngạt quá. Hàng xóm mở mắt là thấy nhau, đi đâu cũng đụng nhau nên rất khó xử.

Câu chuyện của chị khiến tôi thấm thía hơn lời dạy của người xưa: Bán bà con xa, mua láng giềng gần. Hàng xóm là một phần quan trọng của cuộc sống nhưng chúng ta lại không thể chọn lựa. Nếu xử sự không khéo, không biết nhường nhịn, mối quan hệ ấy rất dễ tổn thương, sứt mẻ, dẫn đến to chuyện, dù đôi khi khởi điểm của xung đột lại bắt nguồn từ những điều rất vụn vặt.

Thu Hà