Nhiều ngành chỉ lấy bằng điểm sàn

Theo các chuyên gia tư vấn, phổ điểm của thí sinh (TS) trong khoảng từ điểm sàn tới 20 chiếm đa số. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, nhìn nhận: “Năm nay, dự đoán điểm chuẩn của các trường tốp giữa sẽ không dao động so với năm 2015.

Chẳng hạn, tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, những ngành và chuyên ngành có khả năng tiếp tục lấy điểm trúng tuyển ở mức 18 - 20 điểm gồm có truyền thông và mạng máy tính, kỹ thuật tàu thủy, vận hành khai thác máy tàu thủy, điều khiển tàu biển và kỹ thuật tàu thủy. Riêng nhóm ngành xây dựng, TS dưới 20 điểm khó có khả năng trúng tuyển”. Tuy nhiên, với ngành thiết bị năng lượng tàu thủy và kỹ thuật môi trường của Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, chỉ cần đạt mức điểm từ 15 - 17, TS hoàn toàn có cơ hội trúng tuyển.

Ở khối ngành kinh tế và sức khỏe, nếu đa số trường ĐH công lập đều lấy mức điểm chuẩn cao hơn 20, thì tại nhiều trường ngoài công lập, điểm chuẩn dao động từ 18 - 20. Trả lời cho thắc mắc của một TS rằng liệu 19 điểm có đậu vào nhóm ngành kinh tế Trường ĐH Công nghệ TP.HCM hay không, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, thông tin: “Ở khối kinh tế, mọi năm trường lấy điểm chuẩn ngành cao nhất là 18 nên TS có mức điểm 19, 20 chắc chắn sẽ đậu. Tương tự, ngành thiết kế nội thất cũng dành nhiều cơ hội cho TS đạt từ 18 điểm trở lên”.

Tại Trường ĐH Duy Tân, ngoại trừ ngành bác sĩ đa khoa điểm chuẩn có khả năng trên 20, thì TS đạt 18 - 20 điểm chắc chắn trúng tuyển vào ngành thiết kế số. Tất cả các ngành còn lại, TS đạt từ 15 - 17 điểm đều có cơ hội đậu. Ngành công nghệ sinh học thì chỉ cần từ 15 - 17 điểm là có thể trở thành sinh viên của trường. Đối với những ngành kỹ thuật tại các trường ĐH Văn Lang, Công nghệ TP.HCM, Lạc Hồng và hầu hết các ngành của trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Kinh tế - Tài chính TP.HCM, chỉ cần bằng điểm sàn là có khả năng trúng tuyển.

Tại Trường ĐH Hoa Sen, những ngành có dự đoán điểm chuẩn từ 15 - 17 gồm quản trị du lịch và lữ hành, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, quản trị khách sạn, quản trị công nghệ truyền thông, công nghệ thông tin và truyền thông mạng - máy tính. Đối với ngành marketing, quản trị kinh doanh và kinh doanh quốc tế, TS đạt từ 17 - 20 sẽ có cơ hội trúng tuyển rất cao.

Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ lưu ý thêm, TS cần truy cập vào các phương tiện truyền thông để xem xét kỹ những trường nào, ngành nào năm trước có mức điểm chuẩn dưới 20 và quan trọng nhất đó phải là ngành học mình thích thì khi trúng tuyển mới có thể theo đuổi đến cùng.

Những sai sót thí sinh cần tránh

Tính đến thời điểm này, số lượng TS nộp hồ sơ tại nhiều trường ĐH bằng cả 3 hình thức đã lên tới vài ngàn. Điều mà các chuyên gia đặc biệt lưu ý đối với TS là khi đăng ký xét tuyển trực tuyến cần hết sức cân nhắc để tránh nhầm lẫn dẫn đến mất cơ hội trúng tuyển.

Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang, đưa ra lời khuyên: “Hai hình thức nộp trực tiếp và bưu điện thì có thể sửa đổi thông tin sai sót bằng cách gửi thư điện tử, gọi điện thoại đến trường… Riêng đăng ký trực tuyến, TS hoàn toàn không được sửa đổi. Phần mềm trực tuyến gồm 7 bước rất chặt chẽ, đều có cảnh báo từng bước, rất khoa học. TS nên điền thông tin thật chính xác, sau đó mới nhập mã được Bộ gửi qua điện thoại. Khi đã nhập mã qua điện thoại thì không cho phép sửa đổi nữa”.
Theo thạc sĩ Hoàng Đức Bình, Giám đốc truyền thông và tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, khá nhiều TS chọn sai về tổ hợp môn hoặc không phải là tổ hợp có điểm cao nhất.

Đặc biệt là rất nhiều TS ghi sai mã ngành hoặc nhầm lẫn mã ĐH và CĐ. “Ngoài ra, TS hết sức cân nhắc khi quyết định nộp hồ sơ vào những trường tốp cao mà lấy mức điểm xét tuyển bằng điểm sàn. Kinh nghiệm cho thấy, điểm chuẩn những năm trước của những trường này rất cao. Nếu TS dưới 20 điểm nộp vào thì khả năng trúng tuyển sẽ rất thấp. Nộp rồi là không thể rút hồ sơ. Vì vậy, hãy tham khảo điểm trúng tuyển của mỗi trường năm 2015 trước khi nộp hồ sơ”, thạc sĩ Bình nhận định.

Để hạn chế tối đa những sai sót này, tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, đưa ra lời khuyên TS nếu nộp tại trường thì nên hỏi cán bộ tuyển sinh những thông tin cần thiết trước khi nộp. Đối với TS ở xa, nếu chưa rõ chi tiết nào thì nên gọi điện đến đường dây nóng của các trường để nhờ tư vấn.
 

Học khối ngành y dược ở đâu khi đạt dưới 20 điểm ?

Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Khôi, trong 5 ngày vừa qua, mỗi ngày trường nhận khoảng 200 - 300 hồ sơ, đa phần TS ở mức điểm rất cao. Được biết, năm 2015, ngành có điểm chuẩn thấp nhất tại trường là 22,75, cao nhất là y đa khoa 28 điểm. “TS hết sức thận trọng. Nếu muốn học tập và làm việc ở khối ngành sức khỏe, để cơ hội trúng tuyển đợt 1 cao nên chọn một trường có mức điểm chuẩn những năm trước tương đương với mức điểm TS đang có còn trường thứ 2 thì có mức điểm thấp hơn hẳn, không nên cùng lúc chọn 2 trường có mức điểm tương đương nhau”.

Theo đó, ở khối ngành này, hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều có mức điểm trúng tuyển dưới 20. Tiến sĩ Hồ Viễn Phương, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Lạc Hồng, cho biết: “Nếu TS ở TP.HCM thì có thể đăng ký vào khối ngành sức khỏe của các trường ĐH như Công nghệ TP.HCM, Quốc tế Hồng Bàng, Nguyễn Tất Thành, ở Đồng Nai thì có thể nộp vào Trường ĐH Lạc Hồng”. Ngoài ra, Trường ĐH Duy Tân cũng đào tạo khối ngành sức khỏe với mức điểm chuẩn dưới 20, trừ ngành bác sĩ đa khoa.

 

Theo Thanh Niên