Tác giả là chị Trần Thị Lành quê ở phường Hương Văn, thị xã Hương Trà. Chị Lành có 6 anh chị em (1 trai và 5 gái). Cha là ông Trần Hưng Hải, thời kỳ tập kết 1954 đã đem theo người con trai là Trần Hưng Tuyến ra miền Bắc, mẹ và 5 chị em gái ở lại miền Nam và đều tham gia hoạt động cách mạng trong những năm tháng gian khổ, khó khăn nhất.

Bà Trần Thị Lành tại hậu cứ Khe Đầy (Thành ủy Huế) năm 1972

Chị Trần Thị Lành tham gia hoạt động cách mạng ở cơ sở từ năm 1963 (lúc mới 14 tuổi). Đến năm 1968, sau một thời gian hoạt động hợp pháp, chị cùng với chị ruột được thoát ly lên chiến khu. Tháng 5/1968, chị vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Địa bàn hoạt động chính của chị là huyện Hương Trà và thành phố Huế.

Qua mấy chục năm ở chiến trường gian khổ ác liệt, chị Lành kể lại nhiều câu chuyện tham gia hoạt động của mình, giữa sự sống và cái chết nhiều lúc chỉ là tấc gang, nhưng với lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và sự che chở đùm bọc của Nhân dân nơi chị nằm vùng đã giúp người con gái bé nhỏ ấy vượt qua tất cả.

Ngày đầu mới lên “xanh” (rừng chiến khu) với đồng đội, chị đã bị máy bay địch do thám ngay trên đầu. Tất cả phải lách mình chui vào các bụi mây đầy gai nhọn để ngụy trang ẩn nấp. Trực thăng địch bay thấp đến nỗi mọi người đều trông thấy lính Mỹ lăm lăm chĩa súng xuống đất dò tìm, may mà chúng không phát hiện được. Những giây phút ấy làm chị nhớ mãi đến bây giờ. Rồi những ngày ở chiến trường, tất cả phải nếm trải những trận rải bom tọa độ, những trận phục kích, rồi máy bay rọ gáo lùng sục dò tìm, những “đám mây” chất độc hóa học dioxin mà mãi sau này chị mới biết được tính chất độc hại của nó.

Từ chiến khu, nhiều lần chị được lãnh đạo Huyện ủy (Bí thư Nguyễn Hường Thọ), Thành ủy (Bí thư Hoàng Lanh) cử về cơ sở nắm tình hình, làm công tác dân vận xây dựng phong trào. Có thể nói, đây là công việc đầy khó khăn gian khổ, hiểm nguy rình rập. Nhiều câu chuyện được chị kể lại hay giấu những lần bí mật gặp gỡ tiếp xúc với cơ sở, với bà con Nhân dân để xây dựng phong trào quần chúng. Được dân tin yêu có lần chị được giấu trên gác chuồng lợn (chứa củi, thức ăn gia súc) nóng như lửa đốt, hay giấu trong bao tải gạo dưới gầm giường, trong đụn tót (đống rơm rạ), bị kiến lửa đốt cũng phải cắn răng chịu đựng để không lộ bí mật. Nhưng thử thách gian nguy nhất vẫn là bí mật đào hầm trong nhà dân và trú dưới hầm những ngày mưa rét, nước ngập đến thắt lưng vẫn phải chịu đựng. Đã có lần chị đang ở dưới hầm thì trên mặt đất nghe có tiếng lính đi lùng, bố ráp; ngay lúc đó ở lỗ thông hơi hầm lại có cái gì như cái đầu gậy thọc xuống. Chị tưởng đã bị lộ bèn nhai ngấu nghiến tài liệu, chuẩn bị súng và 2 quả lựu đạn quyết tử thủ với quân thù. Nhưng sau đó thấy trên mặt đất yên ắng. Cái mà chị nhầm là đầu gậy thọc vào lỗ thông hơi của hầm chính là đầu một con rắn thập thò, nhưng vì tối quá không phân biệt được. Hôm sau, gia đình đã cho chị một nắm củ ném để giã ra bôi quanh hầm, để rắn không chui xuống.

Chẳng bao lâu, chiến dịch giải phóng Huế đã cận kề, mọi người đều lao vào công việc chuẩn bị hết sức náo nức, phấn khởi. Trước ngày giải phóng ít hôm, chị Lành vinh dự được đứng trong hàng ngũ đoàn quân tiến về giải phóng quê hương với bao nhiêu ý nghĩ hồi hộp, xao xuyến. Lúc này chị đã là Thành ủy viên (1973-1975) cho nên trách nhiệm lại càng nặng nề bên cạnh sự mừng vui, phấn khởi.

Những ngày sau giải phóng Huế 26/3/1975, công việc bề bộn ngổn ngang. Nhiều câu chuyện được tác giả kể lại khi gặp người thân, đồng chí, bạn bè. Chị được phân công làm Bí thư Quận ủy Quận I cùng với anh Nguyễn Hữu Vấn, đảm trách Chủ tịch Ủy ban Nhân dân cách mạng Quận Nội thành Huế. Tình hình ổn định dần và đi vào nề nếp, có phần đóng góp không nhỏ của đồng chí Bí thư Quận ủy. Sau đó, chị được cử đi học tập bồi dưỡng chính trị, văn hóa rồi trở về đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBMTTQVN TP. Huế 3 nhiệm kỳ cho đến lúc nghỉ hưu với những khen thưởng xứng đáng. Những lúc rảnh rỗi, bao nhiêu ký ức lại tràn về. Chị xúc động, bùi ngùi nhớ đến đồng đội đã hy sinh, trăn trở với một số gia đình đồng đội hiện nay còn gặp khó khăn trong cuộc sống.

Một điều xúc động đối với tôi qua những trang hồi ký này là tôi đã gặp lại được hình ảnh của những đồng chí lãnh đạo lão thành như đồng chí Nguyễn Hường Thọ, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Hương Trà; đồng chí Hoàng Lanh, nguyên Tỉnh ủy viên rồi UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế qua nhiều nhiệm kỳ (đã qua đời); và những bạn bè, đồng chí cùng thế hệ như anh Nguyễn Hữu Vấn, chị Nguyễn Khoa Kim Bội, chị Nguyễn Thị Ánh Tuyết, gia đình bác Phan Cảnh Kế, anh Nguyễn Thúc Tần (đã qua đời), anh Nguyễn Du, Anh hùng Trần Phong, chị Hoàng Thị Khương, anh Trịnh Túc ... Đây là những gương mặt cùng với đồng đội, trong đó có chị Trần Thị Lành đã góp phần giải phóng quê hương, một thời hào hùng làm nên “Những năm tháng không quên”!

Nguyễn Cương