Tham dự có các ông: Lê Trường Lưu, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Thanh Hà, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Cao, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc

Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao báo cáo đến đoàn công tác tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT- XH 6 tháng đầu năm 2016; tình hình thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ về tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; tình hình thực hiện chủ trương đổi mới, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước và đổi mới nông lâm trường quốc doanh; tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sự cố môi trường biển ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế. Ước tính thiệt hại làm giảm tăng trưởng GRDP của toàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 1% (mới đạt 6,04%) và còn ảnh hưởng, tác động tiêu cực lâu dài đến toàn bộ nền kinh tế. Tình hình trên đòi hỏi tỉnh phải nỗ lực hơn nữa nhằm phấn đấu đạt mức cao nhất kế hoạch phát triển KT- XH của địa phương.

Năm 2016, tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Các chỉ tiêu về khởi sự kinh doanh, nộp thuế, tiếp cận điện năng, giao dịch thương mại... đều đạt cao. Tổng số doanh nghiệp đăng ký mới 6 tháng đạt 275 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ. Đã cấp mới 8 giấy chứng nhận đầu tư trong nước, tăng 33,3%, tổng vốn 202 tỷ đồng, tăng 46%. Lĩnh vực FDI cấp mới 4 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng mức đầu tư 11,3 triệu USD. Lũy kế đến nay, tỉnh đã thu hút 497 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 101 ngàn tỷ đồng, trong đó có 88 dự án từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đầu tư là 2.620 triệu USD, tương đương 57.656 tỷ đồng, chiếm 56,9% tổng vốn đăng ký đầu tư.

Với đặc thù riêng, Thừa Thiên Huế đang quyết tâm đầu tư phát triển đô thị theo định hướng “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường”, đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm đến 9 nhóm giải pháp kiến nghị. Đáng chú ý là cho phép tỉnh lập Đề án cơ chế hỗ trợ cho đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Huế; có cơ chế chính sách đặc thù cho di tích Huế như kinh phí giải tỏa dân cư trong khu vực I của di tích; vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam nhằm đẩy nhanh tiến độ bảo tồn, tu bổ, phát huy các giá trị của Quần thể di sản Cố đô Huế; cho phép kinh doanh Casino dành cho người nước ngoài tại Khu nghỉ dưỡng Laguna Lăng Cô Huế; nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; bổ sung quy hoạch một số sân golf dọc biển; quan tâm định hướng các nhà đầu tư chiến lược đến đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo sức bật cho địa phương, nhất là đối với các dự án trọng điểm của tỉnh...

Đại diện các bộ, ngành thảo luận tại buổi làm việc

Cần tạo những đột phá

Tại buổi làm việc, đại diện các bộ ngành Trung ương tập trung thảo luận, cho ý kiến làm rõ các định hướng và nhiệm vụ giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh, trong đó các ý kiến đều nhấn mạnh đến nhiệm vụ phát triển du lịch dịch vụ; đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ hoan nghênh tinh thần làm việc thẳng thắn, tâm huyết và có nhiều ý kiến ủng hộ Thừa Thiên Huế của các bộ, ngành. Đánh giá cao kết quả phát triển KT- XH của tỉnh, nhất là chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Về phát triển KT- XH trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, mục tiêu xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên Huế là phải thường trực quyết tâm chính trị xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong định hướng phát triển KT- XH, cần lấy việc phát triển du lịch- dịch vụ làm đầu. Trong đó, cần đổi mới tư duy làm du lịch, hoạt động du lịch phải có liên kết vùng; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, môi trường du lịch, đặc biệt là phải tạo sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cũng yêu cầu lãnh đạo Thừa Thiên Huế bám sát các nghị quyết của Chính phủ để tiếp tục có những đột phá trong phát triển KT- XH, lựa chọn công nghiệp công nghệ cao để phát triển, sớm xây dựng đề án phát triển KT- XH vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, không đầu tư dàn trải... Các nhóm kiến nghị của tỉnh đã được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời trực tiếp theo thẩm quyền. Đối với những kiến nghị khác, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh cần sớm lập đề án và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục triển khai thực hiện.

Chính phủ sẽ sớm ban hành gói tổng thể hỗ trợ cho các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển. Trong đó, chú trọng việc khôi phục, tái tạo môi trường biển và nguồn lợi thủy sản. Có chính sách tín dụng vay vốn, khôi phục sản xuất; chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp; chính sách giãn nợ, khoanh nợ... Khi thực hiện chính sách này Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương công khai, minh bạch, sớm hỗ trợ người dân vùng ảnh hưởng thoát khỏi khó khăn.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

THÁI BÌNH