Như vậy, ở Huế có hai loài cây được người xưa gọi là muối, loài thứ nhất là cây nhội (thuộc họ thầu dầu), chúng tôi đã viết bài trước đây, là loài cây đã và đang được trồng làm cây bóng mát ở một số đường phố trong nội thành thành phố Huế, và loài thứ hai hiện nay trong khuôn viên hồ Tịnh Tâm chỉ còn 2 cây, mà cây ở đảo Doanh Châu là một, có tuổi đời đã cao (tôi phỏng đoán cũng xấp xỉ cả trăm năm). Cây muối này trong tài liệu phân loại thực vật và cây dược liệu ở Việt Nam có tên là táo rừng hay táo dại – Zizyphus oenophlia, thuộc họ táo ta – Rhamnaceae.
Đây là loài cây thân gỗ rụng lá theo mùa, phân bố ở nhiều nước nhiệt đới và á nhiệt đới châu Á, trong đó có Việt Nam. Tùy điều kiện sống, cây ở dạng cây bụi lớn hoặc cây gỗ nhỏ, đôi khi là cây gỗ trung bình. Cây có ngoại hình giống cây táo ta, lá nhỏ hình xoan, mọc cách, mặt trên xanh, mặt dưới trắng xám, hệ gân lá hình mạng 3 gân gốc. Hoa nhỏ, mọc thành cụm xim ở nách lá. Quả nhỏ bằng đầu đũa, lúc non màu xanh, lúc chín màu đỏ rồi đen.
Nhiều bộ phận của cây đã được nền y học truyền thống của nhiều nước châu Á dùng làm thuốc chữa bệnh. Ở Việt Nam, hạt được dùng làm thuốc dịu cơn ho, làm dễ ngủ và chữa ỉa chảy, kiết lỵ. Dân gian dùng lá, vò nát, hãm nước sôi để uống chữa chóng mặt, buồn nôn.
Hiện nay, ở Huế và nhiều thành phố khác ở miền Trung nói chung, cây táo rừng chưa chen chân vào hệ thống cây xanh vỉa hè và công viên. Thiết nghĩ, là một loài có ngoại hình cân đối, sức chống chịu khá tốt với nhiều điều kiện bất thuận của môi trường, bộ lá tương đối nhỏ, quả nhỏ ít gây ô nhiễm môi trường... cây táo rừng xứng đáng được nghiên cứu nhân giống bổ sung vào hệ thống cây xanh đô thị Huế để tăng thêm nguồn gen đặc trưng cho thành phố Festival.
Đỗ Xuân Cẩm