Nhưng nếu không khéo bị những người “nhanh chân hơn” đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì coi như là mất. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, gần hơn là ở Huế, đã xảy ra những vụ tranh chấp, kiện cáo đình đám về quyền sở hữu trí tuệ. Ở Huế có 2 vụ tranh chấp nổi tiếng là phấn nụ bà Tùng và đàn Tân Châu.

Xem ra đây là vấn đề mới đối với Việt Nam và hết sức phức tạp. Luật Sở hữu trí tuệ các nước phát triển đã có từ lâu, chúng ta cũng chỉ mới có chừng chục năm nay. Đưa luật này vào thực tiễn vẫn còn nhiều điều hạn chế. Xét trong bối cảnh của chúng ta như vậy để người quản lý và cả đối tượng sở hữu cùng điều chỉnh. Biết như vậy để xử lý vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ có tình, có lý hơn.

Gần đây, dư luận Huế nổi lên vấn đề bảo hộ thương hiệu Bún bò Huế. Trên các diễn đàn có nhiều ý kiến khác nhau. Bài viết này chỉ góp thêm một tiếng nói, mong làm rõ vấn đề: có nên bảo hộ thương hiệu bún bò Huế.

Trước tiên, xin bàn về một số nguyên tắc:

1. Anh muốn bảo hộ một sản phẩm nào đó, anh phải có sản phẩm để bảo hộ

Có, cụ thể ở đây là sản phẩm bún bò Huế. Vấn đề là vì sao lại đi bảo hộ sản phẩm bún bò Huế mà chưa phải là các sản phẩm khác. Theo hiểu biết của người viết, Huế có quá nhiều món ăn nổi tiếng và tất cả gộp lại trong “nghệ thuật ẩm thực Huế”, trong đó, bún bò Huế có sức lan tỏa rất lớn về không gian và thời gian. Trong nước, người viết bài này đã đi khắp vùng Trung bộ, miền Đông Nam bộ, vùng Tây Nam bộ, Tây Nguyên, nơi nào cũng có bún bò Huế. Tận bên Lào bún bò Huế không thiếu...

2. Đã có bún bò Huế - một sản phẩm (SP), thì phải có người “sinh” ra SP đó. Anh đã sinh ra SP thì anh có quyền bảo hộ SP đó không?

Ở đây xin nói rằng, hiện nay, không phải bún bò Huế chỉ do người Huế làm ra. Nhưng gốc gác bún bò Huế chắc chắn là của người Huế. Sản phẩm này không phải ngày một, ngày hai mà được lưu truyền qua nhiều đời để thành danh. Nó vừa là sản phẩm vật chất, vừa là một sản phẩm tinh thần ở góc độ giá trị văn hóa. Vì thế nên và phải đứng ra bảo hộ. Vì sao đặt ra vấn đề này? Là vì thời buổi “ăn cắp bản quyền, thương quyền…” đã trở thành một vấn nạn. Hơn nữa, việc đăng ký quyền sở hữu có ý nghĩa rất lớn là quảng bá sản phẩm, thương hiệu của mình ra cho nhiều người biết. Hay thế tại sao lại không làm?

2. Bún bò Huế là sản phẩm của một vùng miền, vậy ai có tư cách pháp nhân đứng ra đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định như sau:

Giải thích từ ngữ: Trong luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.

2. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.

3. Quyền liên quan đến quyền tác giả (sau đây gọi là quyền liên quan) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

4. Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Trong phần giải thích từ ngữ của điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ có 2 mục liên quan, xin trích:

21. Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh.

Khu vực kinh doanh quy định tại khoản này là khu vực địa lý nơi chủ thể kinh doanh có bạn hàng, khách hàng hoặc có danh tiếng.

22. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.

Xem xét những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, có thể thấy, bún bò Huế, nếu được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ thuộc về lĩnh vực bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (mục 4, điều 4). Cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh ở mục 22 (trong phần giải thích từ ngữ của điều 4 - chỉ dẫn địa lý). Phần chỉ dẫn địa lý nêu rõ: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.”

Như vậy, sản phẩm bún bò Huế là của Huế. Bún bò Huế có đầy đủ dấu hiệu để chỉ sản phẩm này có nguồn gốc từ Huế. Ngay tên gọi là một dấu hiệu rõ ràng rồi chứ chưa nói đến các yếu tố khác.

Câu hỏi đặt ra ở đây là UBND tỉnh có quyền đứng ra bảo hộ sản phẩm bún bò Huế không? Theo suy nghĩ của người viết bài này là hoàn toàn có thể. Ở đây chúng tôi dùng phương pháp loại suy: đây là sản phẩm của “địa phương, vùng lãnh thổ” nên không thể là một cá nhân nào đứng ra đăng ký bảo hộ mà phải là một tổ chức. Tổ chức thì có thể UBND tỉnh làm đại diện hoặc ủy quyền cho một tổ chức nào đó – chẳng hạn như một hiệp hội liên quan.

3. Việc đăng ký bảo hộ sản phẩm được gì? Và nếu không được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thì nó sẽ mất gì?

Việc không đăng ký mất gì? (tham khảo phần những thương hiệu Việt bị đánh cắp - trong phần hộp thông tin ở trong này). Nhưng được thì người viết bài này cho rằng có nhiều cái được:

Là một dịp quảng bá một sản phẩm nổi tiếng của Huế. Ở một khía cạnh nào đó góp phần hạn chế việc làm giả, làm nhái sản phẩm đang là một vấn đề rất nan giải của nước ta hiện nay. Nếu nói ẩm thực là “sứ giả” truyền bá văn hóa thì có gì hay bằng dịp sản phẩm được công bố bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ở khía cạnh kinh tế, nếu càng nổi tiếng thì giá trị sản phẩm và giá trị thương hiệu càng cao, người dân Huế càng được lợi.

Suy cho cùng, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là một công cụ pháp lý làm cho xã hội thêm văn minh.

Những thương hiệu Việt bị đánh cắp

■ Từ ngày 1/6/1999, Công ty Kim Seng có trụ sở tại 1561 Chapin road, MonTebello, California 90640 và tại 6121 Randolph street, City of commerce, California 90040 (Mỹ) kinh doanh đa sản phẩm cũng như đã đăng ký thương hiệu “nước mắm nhỉ thượng hạng Phan Thiết” tại Văn phòng bản quyền sáng chế và nhãn hiệu thương mại Hoa Kỳ. Năm 2009, nhãn hiệu này được gia hạn và có hiệu lực trên toàn nước Mỹ. Thương hiệu nước mắm Phan Thiết được Kim Seng đăng ký trước khi Việt Nam có Luật Sở hữu trí tuệ (2005).

Chai nước mắm và nhãn hiệu Phan Thiết được đăng ký tại Mỹ.

■ Vào tháng 6/2011, Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty CP Sở hữu trí tuệ Bross và Cộng sự, trụ sở tại Hà Nội, phát hiện hai nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk đã bị doanh nghiệp nước ngoài chiếm dụng tại Pháp và Trung Quốc. Ông Vinh làm văn bản gửi Sở KHCN Đắk Lắk, cho biết chỉ dẫn địa lý cafe Buôn Ma Thuột đã bị Cty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd có văn phòng đặt tại Quảng Châu (Quảng Đông, Trung Quốc), đăng ký độc quyền nhãn hiệu thời hạn 10 năm, bắt đầu từ 2010 và 2011 cho một số loại sản phẩm trên toàn lãnh thổ Trung Quốc. Còn tên DAK LAK của tỉnh trồng nhiều cà phê nhất Việt Nam cũng bị Cty ITM ENTREPRISES (Pháp) đăng ký nhãn hiệu, đã được cơ quan sở hữu trí tuệ Pháp cấp độc quyền sử dụng cho sản phẩm cà phê của họ từ tháng 9/1997.

Hai nhãn hiệu “BUON MA THUOT & chữ Tàu” và “BUON MA THUOT COFFEE 1896 và logo” đã được Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ độc quyền cho công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd.

■Từ năm 1982, nước mắm Phú Quốc đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa. Đó là Công ty Viet Huong Fishsauce, Hoa Kỳ, được cơ quan đăng ký nhãn hiệu Hoa Kỳ cấp nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc từ năm 1982. Trên các sản phẩm nước mắm của công ty này từ năm 1982 tới nay sử dụng nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” có hình bản đồ VN và đảo Phú Quốc. Sau đó Công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở Cộng đồng chung châu Âu và Úc. Mới đây nhất - năm 2006, công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên”. Mới đây 11/5/2011, một doanh nghiệp tại Hồng Kông là Cty TNHH thương mại Việt Hương (VIET HUONG TRADING COMPANY LIMITED) đã chính thức nộp đơn lên cơ quan có thẩm quyền để đăng ký bảo hộ độc quyền nhãn hiệu “Phú Quốc” cho nhóm hàng hóa 30 (trong đó có nước mắm) trên lãnh thổ Trung Quốc.

Nhãn hiệu Phú Quốc trên sản phẩm của Công ty Viet Huong - Hoa Kỳ

■ Ý kiến:

+ Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan: “Nếu doanh nghiệp nước ta không nhanh chân đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thì nguy cơ mất thương hiệu hoặc tranh chấp kiện tụng sẽ xảy ra, nhất là sắp tới đây hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày càng nhiều do nước ta tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do” .

+ Quang Huy (Báo Pháp luật): “Những đặc sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các địa phương thường là những đối tượng dễ bị xâm hại thương hiệu nhất. Chẳng hạn như xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi, vú sữa Lò Rèn... Lý do những thương hiệu gắn liền với địa phương và quốc gia thường chưa được đăng ký bảo hộ đúng mức ở thị trường nước ngoài nên dễ bị sử dụng để khai thác.(Người Thái Lan “mượn tên” bún bò Huế, hủ tiếu Sa Đéc)

ĐN (tổng hợp)

 

Nguyên Lê